Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV:

Cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư

Năm 2017, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. Tuy nhiên, trong quý I, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 (5,48%).

Ðại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (sáng 24/10/2016). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Vậy Chính phủ sẽ có những giải pháp gì trong những tháng còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đề ra. Bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội để làm rõ vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn kế hoạch đề ra?

Rõ ràng, GDP không đạt mục tiêu đề ra thì sẽ ảnh hưởng tới bội chi ngân sách. Cũng như tỷ lệ nợ công sẽ bị thay đổi, dù số dư nợ công không thay đổi bởi mức GDP thấp. Tuy nhiên sẽ có những thắc mắc tại sao trong số 11 chỉ tiêu thì có 7 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, trong khi chỉ tiêu GDP quan trọng nhất thì lại không đạt và sẽ có ý kiến cho rằng có gì đó không ổn. Tôi cho rằng, điều đó không có gì mâu thuẫn bởi các chỉ tiêu khác chỉ là chỉ tiêu về phát triển xã hội, còn đây là chỉ tiêu về vấn đề kinh tế.

Điều đó cũng thống nhất với quan điểm của Chính phủ về tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng chất lượng tăng trưởng tốt. Do đó vẫn đảm bảo về mặt tăng trưởng xã hội. Tôi cũng đồng tình với quan điểm này của Chính phủ. Và có lẽ Chính phủ cũng không đặt ra một nguyên nhân cụ thể.

Còn tôi lại đặt ra một vấn đề, tại sao tăng trưởng GDP đạt thấp và đâu là nguyên nhân sâu sa?. Tại sao tăng trưởng GDP của năm 2017 khó đạt được mức 6,7% bởi chúng ta đang ở trong một mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư về vốn và khai thác tự nhiên. Đây là 2 nguồn lực lớn để tăng trưởng.

Khi chúng ta chuyển sang mô hình tăng trưởng mới là không dựa vào 2 nguồn lực này thì ngay lập tức tốc độ tăng trưởng không thể nào tăng được như trước mà giữ được nhịp độ. Do đó, để đạt được mức 6,7% là rất khó. Tuy nhiên nếu tốc độ tăng trưởng chỉ dựa vào vốn và khai thác tự nhiên thì sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh ngay thì có thể chưa cao.

Chính vì vậy, nếu tốc độ tăng trưởng thấp hơn mà không dựa vào vốn và khai thác tự nhiên thì các điều kiện khác của nền kinh tế, đời sống xã hội vẫn ổn định.

Đó là lý do mà tôi cho rằng, trong đánh giá của Chính phủ cần phải nhấn mạnh hơn để thấy được nếu chúng ta "chung thành" với mục tiêu và thay đổi về mô hình tăng tưởng thì phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng ở mức vừa phải.

Quan điểm của ông thế nào trong kiến nghị của Chính phủ là vẫn đề xuất tăng khai thác dầu thô?

Tôi cho rằng, đó không phải là mục tiêu chính mà chúng ta có thể dựa vào đó để lấy lại tốc độ tăng trưởng. Nhưng nếu chúng ta bỏ hoàn toàn thì cũng không phải bởi bản thân nguồn thu từ dầu thô vẫn là một nguồn lực cho tăng trưởng. Do đó, không thể bỏ nguồn thu này mà vẫn phải giữ ở mức ổn định, nhưng cũng không phải lấy đó làm mấu chốt để dựa vào.

Còn một nguyên nhân nữa nhưng cũng rất khó để kết luận. Tôi cho rang, thực tế tốc độ giải ngân rất chậm, dù tiền vốn rất ít. Vốn đầu của năm 2016 thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Cụ thể, những năm trước vốn đầu từ khoảng 15%, nhưng năm 2016 chỉ khoảng 10 - 11%. Chứng tỏ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư thấp. Chúng ta biết rằng, tốc độ tăng trưởng đều phụ thuộc vào đầu tư, nếu vốn đầu tư không tăng nhiều thì quy mô của GDP không tăng.

Thực tế cho thấy, đến nay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vẫn chưa được giải ngân và vốn ngân sách cũng chỉ mới giải ngân được 19%, theo ông đây có phải một vấn đề?

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đọc trước Quốc hội chiều nay, đến tháng 4/2017 mới quyết định bổ sung 30.000 tỷ đồng cho các dự án của năm 2015. Rõ ràng, phân bổ vốn đầu tư rất chậm. Và ngay trong báo cáo cũng chỉ ra rằng, phân bổ vốn đầu tư năm 2016 cũng rất chậm và giải ngân cũng vậy. Điều đó dẫn tới các chủ đầu thường không có việc để làm và làm cầm chừng hoặc đi vay vốn để làm. Đến cuối năm, chủ đầu tư mới đổ xô vào làm để đẩy nhanh tiến độ, bù giải ngân. Đây chính là một bất cập.

Đáng ra, chúng ta đã có Luật Đầu tư công và có kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 thì thấy rất rõ là đầu tư vào đâu để chủ động triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay tôi thấy bất cập này vẫn chưa được khắc phục. Đây là một điểm yếu trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Rõ ràng vấn đề ở đây chắc chắn phải có lỗi ở một khâu nào đó. Lỗi đầu tiên là chúng ta đưa ra một cơ chế phân bổ chưa có một tiêu chí rõ ràng. Như vậy thì dự án nào được lựa chọn trước, dự án nào sau; dự án nào được ưu tiên và mức độ phân bổ vốn như thế nào là hợp lý?. Thực tế hiện nay việc này chưa rõ ràng và đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đúng ra, Bộ Kế hoạch Đầu tư phải tư vấn cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí, các xếp hạng để làm cơ sở, tránh tình trạng chờ các bên ngồi bàn bạc rồi mới đưa ra quyết định.

Vậy theo ông, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, hiện chúng ta đã có các Luật, nhưng các quy định lại chưa đưa ra được các tiêu chí. Ví dụ, tiêu chí đánh giá như thế nào là ưu tiên?. Do đó, nếu dùng các tiêu chí càng định lượng được, càng cụ thể thì càng dễ phân bổ, nhưng trong Luật chưa có điều này.

Trong các Luật hiện nay vẫn chỉ nói chung chung là dự án cấp bách. Theo tôi, cần phải thể hiện rõ như thế nào là cấp bách và hiệu quả của sự cấp bách cũng chưa rõ ràng. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần phải có các tiêu chí rõ ràng hơn.

Theo ông, cần phải có giải pháp gì để tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% như kế hoạch đề ra?

Tôi cho rằng, cần phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nếu đạt khoảng 15% thì tổng vốn đầu tư sẽ tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng và tăng thêm 100.000 tỷ đồng cho GDP. Như vậy, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra. Đây là điều mà tôi cho rằng Chính phủ cần phải cân nhắc lại.

Bởi chúng ta hiện nay đang vướng tâm lý về trần nợ công nên luôn e ngại không dám đầu tư. Trước đây trần nợ công bị lo ngại là do nguồn vốn đầu tư vào các dự án kém hiệu quả. Ví dụ như 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, dẫn đến tình trạng không có nguồn vốn để trả nợ, dẫn đến đổ bể về nợ công.

Nhưng nếu đầu tư công mà không để xảy tình trạng tương tự thì khi đầu tư xong sẽ có nguồn vốn thu hồi, mang lại nguồn lực trả nợ và lúc đó sẽ không còn sợ về trần nợ công. Tôi cho rằng, nếu khắc phục được tình trạng đầu tư dài trải vào những dự án kém hiệu quả thì Chính phủ cũng cần phải thay đổi tư duy, xem lại vấn đề liên quan đến áp lực về trần nợ công.

Xin cảm ơn ông.

Thành Trung (TTXVN)
Giải ngân vốn đầu tư chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế
Giải ngân vốn đầu tư chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm vẫn đang là yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN