Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất trồng cây mắc ca

Như TTXVN đã đưa tin phản ánh những vướng mắc trong việc giao đất ở dự án trồng cây Mắc ca với 100% vốn nước ngoài của Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) do ông Huỳnh Văn Trí, Việt kiều Australia làm đại diện cho công ty.

Để đẩy nhanh tiến độ giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hướng Hóa và các phòng chuyên môn tích cực phối hợp để sớm giao đất cho doanh nghiệp đủ diện tích, đúng tiến độ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, doanh nghiệp vẫn chưa nhận đủ đất để triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết đầu tư.

Theo ông Huỳnh Văn Trí, ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty đã tích cực phối hợp với các cơ quan của tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa để thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, trong qua trình triển khai có nhiều vướng mắc, công ty phải bồi thường hỗ trợ tài sản 2 lần trên cùng một diện tích đất nhưng vẫn không được giao đất để trồng cây.

Cây giống mắc ca do Công ty My Anh ươm đã đến thời kỳ trồng nhưng vẫn không có đất. Ảnh: cand.com.vn

Công ty đã nhiều lần báo cáo với UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị giải quyết các vướng mắc và bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Qua đó, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án và làm thiệt hại về tài chính, công sức, thời gian của công ty, hơn 100 lao động địa phương có nguy cơ mất việc làm.
Vì vậy, mới đây ngày 21/11/2016, công ty đã làm đơn đề nghị Đại sứ quán Australia tại Việt Nam can thiệp, kịp thời giải quyết, làm rõ các vướng mắc, thu hồi tiền trả lại và bồi thường cho công ty…

Theo Quyết định số 2271/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị giao cho công ty thuê đất với diện tích 649 ha (sau đó là 587,2 ha do thu hồi lại 61,8 ha theo Văn bản điều chỉnh số 3073/UBND-TN ngày 3/8/2016 của UBND tỉnh). Theo đó, diện tích bị ảnh hưởng kiểm kê bồi thường khoảng 200 ha gồm 77 thửa/31 hộ (theo Báo cáo số 03/BC-UBND huyện Hướng Hóa ngày 9/1/2015) công ty đã chi trả bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất với số tiền 5,7 tỷ đồng.

Đến nay, diện tích kiểm kê, bồi thường tăng lên 587,2 ha và tổng số tiền bồi thường lên đến 7,2 tỷ đồng, thế nhưng, khi công ty triển khai dự án thì xảy ra nhiều vướng mắc, tranh chấp. Diện tích đất đã được giao và cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất là 587,2 ha nhưng thực tế công ty chỉ mới được giao khai hoang sử dụng được khoảng 350 ha, còn lại hơn 237 ha chưa được bàn giao để khai hoang trồng cây.

Cụ thể: Diện tích 190,6 ha bị các hộ dân thôn Prô, xã Hướng Tân, Hướng Hóa và bản Mới, xã Đakrông (huyện Đakrông) tranh chấp, cản trở không cho công ty khai hoang trồng cây; trong đó có 30,6 ha có tài sản trên đất thuộc người dân thôn Prô, 78ha có tài sản trên đất thuộc người dân bản Mới và 82 ha không có tài sản trên đất. Nguyên nhân do các cơ quan chuyên môn của huyện Hướng Hóa lập hồ sơ quy chủ sai đối tượng. Tài sản trên đất là của người dân thôn Prô và bản Mới nhưng quy chủ cho các hộ dân xã Tân Hợp đã được công ty bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ năm 2015.

Báo cáo số 15/BC-TNMT ngày 10/5/2016 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hướng Hóa nêu rõ: “Đối với phần diện tích 78 ha đang có cây trồng của các hộ dân thôn Prô, xã Hướng Tân và một phần diện tích của bản Mới, xã Đakrông do quá trình giao đất cho các hộ dân thôn Lương Lễ và thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp thực hiện dự án trồng cây lâm nghiệp, các hộ dân được giao đất do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên chưa triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng phát sinh vướng mắc với các hộ dân ở thôn Prô, xã Hướng Tân và bản Mới, xã Đakrông (huyện Đakrông) như hiện nay”.

Theo Luật Đất đai, sau 12 tháng kể từ ngày giao đất nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì phải thu hồi. Trong khi đó, mới đây lại phát sinh thêm một vướng mắc khác đó là số hộ tranh chấp tăng lên và yêu cầu được đền bù. Theo Báo cáo số 184/BC-UBND ngày 8/8/2016 của UBND huyện Hướng Hóa xác định tại thôn Prô có 12 hộ xâm canh với diện tích 30,6 ha (thực tế là 73,89 ha - theo số liệu do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện cung cấp), công ty đã hoàn thành chi trả bồi thường vào ngày 8/8/2016. Nhưng sau khi được bồi thường có 13 hộ dân khác tại thôn Prô tiếp tục tranh chấp.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra tranh chấp, UBND huyện Hướng Hóa có Báo cáo số 226/BC-UBND ngày 16/9/2016 xác định là do các hộ dân ở thôn Prô thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 17/10/2016 do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì gồm Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND 2 xã Tân Hợp, Hướng Tân lại khẳng định có 13 hộ dân tại thôn Prô chưa được kiểm kê tài sản và đề nghị tiếp tục được kiểm kê bồi thường… Các báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa không rõ ràng, thiếu tính chính xác, mâu thuẫn nên việc giải quyết các vướng mắc kéo dài.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc giao đất cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và UBND huyện Hướng Hóa khẩn trương hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành thủ tục cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho công ty theo đủ diện tích mà UBND tỉnh Quảng Trị giao 587,2 ha, nhưng thực tế chỉ là đất trên sổ đỏ chứ trên thực địa chỉ mới giao có 350 ha, còn lại hơn 237 ha UBND huyện Hướng Hóa chưa bàn giao cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Trí cho biết thêm, công ty đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để trồng cây Mắc ca trên diện tích 350 ha đã được giao. Còn diện tích 237 ha chưa được bàn giao hiện nay cây giống Mắc ca đang tồn kho tại vườn ươm. Với số cây giống này nếu hết năm 2016 không có đất để trồng thì sang năm coi như vứt bỏ (công ty phải ươm lại giống mới) nên thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Nhưng điều quan trọng hơn là công ty đang hợp đồng hơn 100 lao động địa phương với mức lương từ 4,5- 6 triệu đồng/người/tháng sẽ thiếu việc làm nếu công ty không có đất trồng cây.


Trần Tĩnh (TTXVN)
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ phù hợp
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ phù hợp

Tại Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Nhưng hiện nay khối này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN