Cần có quy hoạch tổng thể phát triển làng nghề

Theo thông tin từ Tổng kết đánh giá thí điểm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) để phát triển làng nghề tổ chức ngày 22/12 tại Bắc Ninh, chỉ có 12,3% số lao động các làng nghề trên cả nước đã qua đào tạo.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), từ năm 2010, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã triển khai thí điểm 3 mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp cho LĐNT. Tổng cục Dạy nghề đã phê duyệt kinh phí tổ chức các lớp đào tạo thí điểm với tổng kinh phí 6,3 tỷ đồng. Các lớp thí điểm đã đào tạo cho 2.149 LĐNT theo đúng đối tượng của Đề án 1956, đào tạo trên 20 nghề thủ công, thời gian đào tạo từ 3 đến 5 tháng tùy theo từng nghề.

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), để mở rộng các lớp đào tạo nghề cho LĐNT theo ba mô hình trên, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể phát triển làng nghề trên cả nước. Các địa phương căn cứ vào đó để lập quy hoạch xây dựng phát triển làng nghề của địa phương mình, trong đó có tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực để đào tạo. Việc đào tạo chỉ có hiệu quả bền vững khi gắn kết được với qui hoạch phát triển làng nghề của địa phương. Cùng với đó việc đào tạo nghề phải gắn kết với địa chỉ “đầu ra” sau khi kết thúc khóa học.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN