Cần chuyển đổi ‘xanh’ cho thị trường lao động Việt Nam

Nhằm giúp Việt Nam nâng cao tính thích ứng của thị trường lao động phù hợp với nhu cầu toàn cầu, các nước khu vực Bắc Âu đã chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị Việt Nam nên chuyển đổi “xanh” nguồn lao động để nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

Chú thích ảnh
Việt Nam cần hướng tới một thị trường lao động có tay nghề cao và sáng tạo. Ảnh chụp tại một nhà máy sản xuất linh kiện tại TP Hồ Chí Minh

Tại sự kiện kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2024 được tổ chức chiều 20/3, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken nhấn mạnh: “Đối thoại giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động vừa là yếu tố trọng tâm trong quá trình phát triển, đồng thời giúp nền kinh tế và thị trường lao động của chúng tôi thích ứng hơn với một thế giới không ngừng thay đổi. Tôi hy vọng rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm của các nước Bắc Âu có thể đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và hướng tới một thị trường lao động có tay nghề cao, sáng tạo và công bằng".

Theo Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển), trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển đổi quan trọng, từ một nước nông nghiệp có thu nhập thấp sang một nước hiện đại hóa có thu nhập trung bình thấp. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi cải cách kinh tế, thương mại tự do và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Chú thích ảnh

Mặt khác, Việt Nam hiện đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang chuyển dịch thị trường lao động sang các ngành công nghiệp và công nghệ kỹ thuật cao, tay nghề cao. Sự dịch chuyển này đòi hỏi sự cần thiết phải chú trọng tới đổi mới, số hóa, đào tạo nghề, giáo dục, phát triển kỹ năng và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Song song đó, Việt Nam cũng đã cam kết trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phê chuẩn tất cả các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế về tiêu chuẩn lao động. Trong đó, có Công ước 87 về Tự do hiệp hội và tăng cường đối thoại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc là những cấu thành thiết yếu của cam kết này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức về dân số già, đây chính là yếu tố thử thách hệ thống phúc lợi xã hội quốc gia. "An sinh và đổi mới sáng tạo là những yếu tố then chốt tạo nên thành công của khu vực Bắc Âu, điều này thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng cách đem lại cho các cá nhân niềm tin để họ dám chấp nhận rủi ro và suy nghĩ sáng tạo. Sự bảo đảm này cho phép, các cá nhân khám phá ý tưởng mới mà không sợ đánh mất những gì họ đã tạo dựng trong cuộc sống”, Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto cho biết.

Cũng theo Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto, các quốc gia Bắc Âu rất chú trọng đến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thời gian làm việc phù hợp cho nhân viên, linh hoạt trong công việc, nhiều hình thức hỗ trợ cho các gia đình như chế độ nghỉ chăm con cho cả cha và mẹ cũng như dịch vụ chăm sóc trẻ với chi phí phải chăng, là một vài trong số rất nhiều sáng kiến xã hội mà Phần Lan đang áp dụng để đảm bảo sự cân bằng, lành mạnh giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Bắc Âu đều nhiều năm liền nằm trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất.

Chú thích ảnh

Trong khi đó, theo Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, các bên sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ ở khu vực Bắc Âu đang hợp tác chặt chẽ nhằm tạo ra một mạng lưới anh sinh xã hội phát triển tốt cho cá nhân. Mô hình này thường được gọi là “mô hình Bắc Âu”, đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và được công nhận vì khả năng chống chịu của Khu vực trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây. Giáo dục miễn phí và đầu tư đáng kể vào nghiên cứu đã đóng góp hình thành những công dân có trình độ cao và một xã hội hiện đại, công nghệ cao”.

Ngoài ra, bà Ann Måwe cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các kế hoạch mạnh mẽ, bao gồm hệ thống bảo hiểm xã hội để đối mặt với những thách thức như dân số già hóa, điều này cũng sẽ sớm trở thành một thực tế cấp bách đối với Việt Nam. Chính vì vậy, “mô hình Bắc Âu” sẽ giúp Việt Nam học hỏi để nâng cao tính thích ứng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh toàn cầu. Cụ thể là mô hình cung cấp các dịch vụ xã hội của nhà nước dựa trên nguồn thu từ thuế, đầu tư vào giáo dục, chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các dịch vụ khác liên quan đến vốn con người.

Đại sứ Đan Mạch Ông Nicolai Prytz cũng chia sẻ: “Chuyển đổi “xanh” không thể diễn ra nếu không có một lực lượng lao động có tay nghề phù hợp để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế “xanh” hơn. Chuyển đổi “xanh” mang lại nhiều cơ hội việc làm mới nhưng cũng có nguy cơ bỏ lại phía sau những người lao động tay nghề thấp, làm việc trong các khu vực phi chính thức hoặc những công việc gây ô nhiễm. Do đó, chúng tôi mong muốn được chia sẻ với các đối tác và bạn bè Việt Nam những kinh nghiệm và bài học mà các nước Bắc Âu đã thu được từ quá trình chuyển đổi “xanh” trong 40 năm qua, hy vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng để Việt Nam phát triển một thị trường lao động không chỉ đáp ứng hiệu quả nhu cầu chuyển đổi “xanh” đang diễn ra mà quan trọng không kém, đó là đảm bảo đây là một quá trình chuyển đổi lao động công bằng và có tính đến các lo ngại về kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương”.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi từ các mô hình thành công như khu vực Bắc Âu, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, Giáo sư Scott Fritzen bày tỏ: “Thông qua việc quy tụ các học giả, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong ngành, chúng tôi mong muốn thúc đẩy đối thoại có ý nghĩa và tìm kiếm cách thức để Việt Nam có thể tận dụng hết những tiềm năng của mình nhằm tạo ra một thị trường lao động năng động và toàn diện. Chúng tôi tin rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm của các nước Bắc Âu sẽ đem lại những hiểu biết có giá trị và truyền cảm hứng cho các chiến lược hữu ích nhằm định hình lực lượng lao động tương lai của Việt Nam”.

Theo Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã tạo ra những cơ hội thương mại và đầu tư mới giữa EU và Việt Nam. Bằng việc loại bỏ thuế quan, thúc đẩy tiếp cận thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng cường quyền lao động và bảo vệ môi trường, EVFTA đã mang lại lợi ích to lớn cho thị trường lao động Việt Nam cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, về tính bền vững của Hiệp định nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, góp phần hơn nữa vào sự thịnh vượng lâu dài về kinh tế và môi trường của Việt Nam. Bằng cách thực hiện đầy đủ EVFTA và cân nhắc áp dụng các yếu tố của mô hình Bắc Âu, Việt Nam có thể củng cố thị trường lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Hội nghị đại biểu viên chức và người lao động TTXVN năm 2023
Hội nghị đại biểu viên chức và người lao động TTXVN năm 2023

Chiều 20/3/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu viên chức và người lao động TTXVN năm 2023. Đồng chí Vũ Việt Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN cùng các đồng chí Phó Tổng giám đốc dự và điều hành hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN