Cần chính sách đầu tư lâu dài, toàn diện

Việc hình thành chuỗi sản xuất nông sản từ lâu đã được nhắc đến với sự tham gia của 4 nhà là nông dân, doanh nghiệp, khoa học và quản lý, nhưng làm gì để doanh nghiệp vào cuộc một cách mạnh mẽ thì đây vẫn là một “nút thắt” lớn.

Những rào cản

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ, một trong những công tác quan trọng nhất được nhắc đến là tổ chức lại sản xuất của nông dân, bởi một doanh nghiệp không thể đi kí kết hợp đồng với từng hộ nông dân đơn lẻ, mà họ chỉ kí được thông qua các tổ chức đại diện của nông dân. Chính vì vậy, việc hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông dân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để hình thành chuỗi sản xuất nông sản với sự tham gia của 4 nhà.

Khâu phân phối nông, thủy sản hầu hết đều phụ thuộc thương lái.


Tuy nhiên, đến nay tại vùng ĐBSCL chỉ mới tập hợp được 1.100 HTX và 33.000 THT, quy tụ chưa tới 30% số nông dân trong vùng. Bên cạnh đó, vừa qua nhà nước đã có thí điểm đầu tư với một số mặt hàng, điển hình là cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo, nhưng cũng mới chỉ có khoảng 10% lượng lúa gạo được doanh nghiệp bao tiêu. Có thể nói đây là một con số khá khiêm tốn.

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tính đến nay, dù đã rất nỗ lực nhưng tỉnh chỉ mới chuyển đổi 19/165 HTX nông nghiệp hoạt động theo luật HTX năm 2012, củng cố và phát triển 14 HTX và 2 THT gắn với xây dựng thươ̛ng hiệu để trở thành các HTX điển hình về kinh tế hợp tác. Năm 2014, toàn tỉnh đã triển khai các cánh đồng lớn với diện tích 86.630 ha/524.262 ha, chỉ chiếm 16,5% tổng diện tích sản xuất lúa cả năm. Vụ Đông Xuân 2014-2015, tỉnh đã triển khai xây dựng 30.654 ha cánh đồng lớn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nên khi triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhất là cơ chế hoạt động, định mức tài chính. Cơ chế chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phần lớn vận dụng các chính sách của trung ương theo phương thức lồng ghép, đa mục tiêu nên nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu rất hạn chế. Doanh nghiệp, HTX và nông dân là những lực lượng quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chậm được củng cố và nâng cao năng lực quản lý và điều hành theo cơ chế thị trường. Một số HTX, nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn nhất của họ là thủ tục hành chính, chính sách thuế… là những rào cản khiến doanh nghiệp có thừa nguồn lực nhưng không mặn mà đầu tư. Ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Việc đầu tư nông nghiệp phức tạp, khó khăn và rủi ro lớn nhưng chính sách lại cào bằng như những lĩnh vực khác, điều đó bất hợp lý. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã trao đổi với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để cùng nhau có ý kiến đề xuất Chính phủ xử lý vấn đề này. Đành rằng luật thuế và chính sách thuế do ta đưa ra nhưng cái nào không phù hợp cuộc sống thì cần điều chỉnh”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit kiến nghị: “Nên có chính sách khuyến khích những doanh nghiệp làm phân phối các sản phẩm nông nghiệp ưu tiên cho phân phối xuất khẩu thì sẽ được ưu đãi về mặt lãi suất, như vậy sẽ thu hút được nhà đầu tư. Hoặc những người đầu tư vào trồng trọt với công nghệ mới mang lại giá trị gia tăng cao hơn thì được ưu tiên hơn”.

Tập trung vào chính sách quan trọng

Hiện nay Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng việc triển khai trên thực tế chưa cụ thể, thiết thực để thúc đẩy quyết định đầu tư. Bởi đối với doanh nghiệp, quan trọng nhất là thị trường, nguồn nguyên liệu, hạ tầng và môi trường đầu tư ổn định.

Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, hiện nay các chương trình, chính sách của Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh vào các phần ưu đãi, về thuế nhưng chưa phải là phần lớn nhất cho doanh nghiệp khi quyết định đầu tư. Hầu hết những chính sách cho tới bây giờ nặng về tính giai đoạn, các chính sách cụ thể như vài ưu đãi nhất định chương trình, dự án gói, mà thiếu chính sách mang tính lâu dài bao trùm hết trong ngành nông nghiệp chứ không phải một giai đoạn ở một tỉnh hay một vùng. Những chính sách đó rất tạm thời và khó có thể phát huy tác dụng và có thể bị lãng phí. Trong khi những chính sách quan trọng hơn về cổ phần hóa, tích tụ đất đai cho sản xuất lớn, quy hoạch chuyển đổi đất đai cho phù hợp cần được quan tâm hơn nữa.

Mặt khác, thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp nhưng các cơ quan xúc tiến thương mại cũng còn chưa chuyên nghiệp, chưa có những chương trình thực sự cuốn hút. Hiện các trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh hầu hết chỉ chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ dường như không có năng lực xúc tiến đầu tư trong nông nghiệp.

Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà ngay cả nhiều doanh nghiệp trong nước đang đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản... muốn đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp cũng bị lúng túng, thậm chí không biết tìm nhà tư vấn ở đâu để có thể đầu tư vào nông nghiệp. Do vậy, để đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư, các tỉnh vùng ĐBSCL rất cần nghiên cứu cải cách thể chế, hành chính đổi mới các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, tập trung đổi mới các hình thức dịch vụ công, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại.
Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN