Cần bổ sung chức năng Hệ thống TMS, minh bạch thông tin sau CPH

Tại Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công (PFPG) năm 2015 do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đồng (WB) tổ chức ngày 23/7, phía WB cho rằng, quá trình triển khai Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) đang bộc nhiều điểm chưa ổn nên còn hạn chế trong việc giảm thiểu chi phí, thời gian cho người nộp thuế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị.


Theo ông Phạm Minh Đức- đại diện WB, do Hệ thống TMS dựa trên các quy trình nghiệp vụ hiện hành nên hạn chế những tác động tích cực của hệ thống đối với quản lý thuế. Một hạn chế khác nữa là TMS không bao trùm chức năng xử lý sau kê khai như: thanh, kiểm tra; xử lý khiếu nại và điều tra thuế.


Để khắc phục tình trạng trên, WB khuyến nghị: Cần bổ sung các chức năng mới cho Hệ thống TMS để hỗ trợ người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, cũng như giảm thiểu chi phí tuân thủ; ưu tiên thành lập cổng thông tin của người nộp thuế và một trung tâm giải đáp tập trung. Ngoài ra, triển khai một số ứng dụng thuế điện tử quan trọng như nộp thuế trên điện thoại di động… để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.


Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Qua quá trình cải cách hành chính thuế, trong vòng 2- 3 năm gần đây, thời gian nộp thuế đã được cắt giảm mạnh. Năm nay sẽ cắt giảm thêm 50 giờ. Hiện đã có khoảng 95% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 75% doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử.


Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, thúc đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Hội nghị giúp các cơ quan Việt Nam và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển hiểu hơn về quan điểm, chính sách của nhau trong lĩnh vực quản lý tài chính công nói chung, về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan nói riêng.


Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện có 61/289 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa (CPH). Mặc dù tiến độ đã nhanh hơn trước nhưng với việc vẫn còn tới hơn 200 doanh nghiệp phải CPH từ nay đến cuối năm thì còn rất nhiều việc phải làm.


Theo ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), số lượng doanh nghiệp CPH còn ít, nhất là việc tái cơ cấu hiện mới chỉ chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ. Những đơn vị doanh nghiệp lớn vẫn còn nhiều việc như tài sản, nợ không rõ ràng, quản trị doanh nghiệp yếu, thiếu minh bạch. Với những doanh nghiệp đã thực hiện CPH, việc thiếu thông tin, bằng chứng để kiểm chứng sự hiệu quả cũng là vấn đề khiến giới chuyên gia nghi ngại.


Đại diện ADB cho rằng, việc CPH chỉ thực hiện được một phần khi mà mới chỉ tập trung bán một lượng nhỏ cổ phần Nhà nước và khu vực tư nhân hiện vẫn kiểm soát ít cổ phiếu tại các doanh nghiệp. Điều này khiến nhà đầu tư tư nhân chỉ có ít quyền trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp nhà nước cung cấp bản báo cáo tài chính trên trang web. Tức là có sự thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch và khó đo lường tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau CPH.


Theo Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam hiện đã có giải pháp bán vốn theo lộ trình đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư đủ năng lực vốn, trình độ quản trị và cam kết ở lại lâu dài với doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể mua theo lô. Thậm chí, nhà nước có thể bán hết phần vốn ở lĩnh vực không cần nắm giữ cho các nhà đầu tư. Đối với việc công khai thông tin, hiện cơ quan chức năng đã có quy định về việc công khai và sẽ có chế tài cho việc công bố, công khai thông tin. 


Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN