Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khái toán tổng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh là 4.197 tỷ đồng.
Cụ thể, riêng nhu cầu vốn năm 2022 cần bố trí cho Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi là 1.400 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí bồi thường trực tiếp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 800 tỷ đồng; xây dựng khu tái định cư, khu cải táng mồ mả, di dời công trình công cộng và các chi phí khác khoảng 600 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 thông tin, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88 km; trong đó tuyến đi qua tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 60,30 km đi qua các huyện Tư Nghĩa 4,7 km, Nghĩa Hành 17,34 km, Mộ Đức 10,81 km và thị xã Đức Phổ 27,45 km, có khoảng 1.029 hộ dân di dời tái định cư.
Dự kiến, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ đầu tư xây dựng 23 khu tái định cư, với tổng số lô đất cần xây dựng khoảng 2.108 lô để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, với tổng diện tích quy hoạch xây dựng dự kiến trên 120 ha.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư là 20.469 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự kiến khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.
Tuyến có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam có ảnh hưởng và thu hút trực tiếp lưu lượng giao thông trong khu vực; kết nối một loạt các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định như Bãi biển Sa Huỳnh, Cảng Quy Nhơn, Tam Quan…
Do vậy, việc đầu tư xây dựng ngay đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và các đoạn tuyến khác là nhu cầu cấp thiết, góp phần giải quyết lưu thông hàng hóa và hành khách, giảm thời gian vận chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ du lịch của các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước nói chung mà còn là mong mỏi của các địa phương và các nhà đầu tư trong khu vực.