Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội thay đổi bộ mặt kinh tế

Cách mạng Công nghiệp 4.0, hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đang diễn ra tại nhiều nước phát triển và mang lại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nói: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 kết hợp các công nghệ, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". 

Cũng theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tiến triển nhanh hơn nhiều và đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết ngành công nghiệp ở các quốc gia.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối Internet (IoT) và dữ liệu lớn (Big data).

Robot nhảy múa của công ty IBM Watson AI được giới thiệu tại hội chợ ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong đó, AI có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh.

AI là trí tuệ của máy móc do con người tạo ra có thể tư duy, suy nghĩ và học hỏi như trí tuệ con người, biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi.

AI có thể xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Nhiều doanh nghiệp công nghệ có kế hoạch tạo ra được những AI vì giá trị quan trọng, giúp giải quyết được nhiều vấn đề mà hiện con người chưa giải quyết được.

AI xuất hiện từ tháng 10/1950 khi nhà bác học người Anh Alan Turing xem xét vấn đề liệu máy tính có khả năng suy nghĩ hay không. Để trả lời câu hỏi này, ông đã đưa ra khái niệm phép thử bắt chước (phép thử Turing). Phép thử được thực hiện dưới dạng một trò chơi. Theo đó có ba đối tượng tham gia trò chơi (gồm hai người và một máy tính).

Một người thẩm vấn ngồi trong một phòng kính tách biệt với hai đối tượng còn lại. Người này đặt các câu hỏi và nhận các câu trà lời từ người trả lời thẩm vấn và từ máy tính. Cuối cùng, nếu người thẩm vấn không phân biệt được câu trả lời nào là của người, câu trả lời nào là của máy tính thì lúc đó có thể thể nói máy tính đã có khả năng suy nghĩ như giống như con người.

Đến mùa Hè 1956, tại một hội nghị do hai nhà khoa học Marvin Minsky và John McCarthy tổ chức, tên gọi AI được chính thức công nhận và được dùng cho đến ngày nay. Trong giai đoạn 1950-1965, các nhà khoa học John MaCarthy, Marvin Minsky, Allen Newell và Herbert Simon đã xây dựng các chương trình giúp máy vi tính giải được những bài toán đố của môn đại số, chứng minh các định lý và nói được tiếng Anh.

Bước sang thập niên 1960, các nghiên cứu AI chủ yếu tập trung vào biểu diễn tri thức và phương thức giao thức giao tiếp giữa người và máy tính bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tuy vậy, tất cả đều thất bại do tiến bộ tin học khi đó vẫn chưa đạt đến mức có thể thực hiện.

Đến năm 1997, sau trận đấu lịch sử giữa kiện tướng cờ vua Garry Kasparov với máy tính DeepBlue của công ty công nghệ IBM (Mỹ), niềm hy vọng về AI mới được hồi sinh.

Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống thực tiễn hiện nay như tìm kiếm thông tin, dịch tự động, nhận dạng chữ viết và tiếng nói... Trong tương lai, với sự quan tâm và phát triển của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới, trí tuệ nhân tạo có thể mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực như y tế, ngân hàng...

Mới đây, cường quốc kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc đã thể hiện tham vọng muốn vượt qua các đối thủ công nghệ để trở thành trung tâm AI toàn cầu trong vòng chưa đầy 15 năm nữa. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình ba bước vào ngày 21/7 vừa qua để xây dựng và triển khai AI trong tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp, y học, quy hoạch thành phố cho đến quân đội, qua đó lĩnh vực này sẽ phát triển và đạt giá trị 1.000 tỷ NDT (150 tỷ USD) vào năm 2030.

Theo Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, “trí tuệ nhân tạo đã trở thành một đầu tàu phát triển kinh tế mới”. Phần đầu của kế hoạch dự kiến từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt tiến bộ trong việc phát triển một thế hệ mới lý thuyết và công nghệ AI, đồng thời phát triển các quy chuẩn và chính sách cho AI.

Phần thứ hai của kế hoạch áp dụng trong thời gian đến năm 2025, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt bước đột phá lớn trong công nghệ AI và ứng dụng nghệ này nhằm dẫn tới sự nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế. Còn phần cuối của kế hoạch dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI và lĩnh vực này của Trung Quốc sẽ đạt quy mô 1.000 tỷ NDT.

Hiện tại, Trung Quốc đã có vài công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Alibaba và Baidu - đang tập trung phát triển công nghệ AI. Ví dụ, Baidu có một phòng thí nghiệm tại Thung lũng Silicon và hiện khảo sát các lĩnh vực như xe không người lái. Trong khi đó, mảng điện toán đám mây của Alibaba đang tập trung mạnh vào sử dụng AI trong những lĩnh vực từ mua sắm tới y tế.

Anh Quân (TTXVN)
Cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học bàn luận tại hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Dự án luật Hành chính công" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 3/6, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN