Các ngân hàng nhỏ buộc phải tái cơ cấu

Ngày 27/4 tới đây, quy định mới về việc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc buộc phải hợp nhất, sáp nhập, thậm chí bị buộc phá sản đối với ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém sẽ có hiệu lực. Vì vậy, mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) dịp đầu năm 2013, hầu hết các NHTMCP nhỏ đều phải đối mặt với sức ép tăng vốn.

Sức ép tăng vốn


Theo Thông tư 07/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 27/4/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất thanh khoản sẽ bị NHNN xem xét đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, buộc phải tăng vốn điều lệ. NHNN cũng có thể yêu cầu tổ chức tín dụng đó thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác. Sau khi thực hiện các biện pháp trên mà tổ chức tín dụng đó vẫn chưa khôi phục được khả năng thanh toán, thì sẽ phải tiến hành thủ tục phá sản. Mục tiêu của NHNN là giảm số lượng NHTM, từ gần 50 NH hiện nay xuống chỉ còn 13 - 15 ngân hàng vào năm 2015 thông qua hình thức sáp nhập và hợp nhất.

SHB có diện mạo mới sau khi HBB sáp nhập vào SHB.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tính đến nay, có 9 NH đã được nêu “đích danh” phải tái cấu trúc. Đây là những NH nhỏ, với tổng tài sản chưa tới 50.000 tỉ đồng, tức chưa bằng 1/10 so với ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trên thị trường hiện nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Theo một số NH nhỏ có vốn điều lệ chưa đến 4.000 tỷ đồng, tăng vốn là điều kiện cần thiết để cạnh tranh, phát triển ngân hàng. Song, để thực hiện điều này trước diễn biến thị trường hiện nay là không đơn giản. Do tình hình kinh tế khó khăn và trong 2 năm qua, không một NH nhỏ nào có thể hoàn thành được kế hoạch tăng vốn, dù lượng vốn muốn tăng thêm không nhiều. Điển hình như NamA Bank, vốn điều lệ của NH hiện nay là 3.000 tỷ đồng và kỳ vọng tăng thêm 700 tỷ đồng để nâng vốn lên 3.700 tỷ đồng. Song trong 2 năm qua, NamA Bank đã không thực hiện được dù NH đã có chủ trương thu hút vốn từ các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.


Theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, năm 2013, NHNN sẽ cơ bản xử lý xong ngân hàng yếu kém. Năm 2014, NHNN sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của tổ chức tín dụng. Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn.

Tương tự, MeKong Bank (MDB) hiện đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Fullerton Financial Holdings (FFH) nắm giữ 20% cổ phần, song trong kế hoạch kinh doanh năm 2013 vừa được MeKong Bank trình trước ĐHCĐ ngày 7/3, không đề ra mục tiêu tăng vốn năm nay. Tổng Giám đốc MeKong Bank, ông Tay Han Chong, cho biết vốn điều lệ của MDB hiện nay là 3.750 tỷ đồng và trong năm nay, NH không có kế hoạch tăng thêm. Nhưng chiến lược phát triển của MDB là tiếp tục tập trung vào các mảng thị trường trọng yếu như bán lẻ, cho vay nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Áp lực tìm đối tác chiến lược


Áp lực tái cơ cấu hiện đang đè nặng các ngân hàng nhỏ. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, việc sáp nhập và mời gọi đối tác chiến lược không phải chuyện dễ dàng. Nhất là khi thị trường có quá nhiều người bán thì tiêu chuẩn chọn mua của ngân hàng ngoại ngày càng cao. Thừa nhận vấn đề này, ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết, sau khi bán hết cổ phần tại Sacombank, ANZ vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, nhưng chỉ mua nếu được nắm quyền kiểm soát, để có thể tích hợp vào hệ thống của ANZ.


Có thể thấy, trong danh sách 4 NHTM nằm trong diện tái cơ cấu cuối năm 2012, hiện mới có TrustBank tìm được đối tác chiến lược. Theo đó, ĐHCĐ TrustBank đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó cổ đông mới mua lại 84% cổ phần, còn cổ đông chiến lược Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67%. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc TrustBank. Tuy nhiên, đáng lo ngại là không phải tất cả các NH nhỏ trong diện buộc phải tái cơ cấu đều đã có phương án thực hiện như TrustBank.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, nhiều ngân hàng nhỏ không hấp dẫn các ngân hàng ngoại. Ngoài sự yếu kém về tài chính, hầu hết các ngân hàng này đều có quá nhiều lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp, quản trị hệ thống và quản trị rủi ro; nguồn nhân lực không mạnh; thương hiệu lại kém và chưa kể việc thiếu minh bạch. Điểm hấp dẫn thực sự của nhóm này chỉ nằm ở phần cứng, tức hệ thống mạng lưới chi nhánh đã được mở rộng rất nhanh trong vài năm vừa qua. Tuy nhiên, muốn tận dụng lợi thế mạng lưới sẵn có, nhà đầu tư ngoại phải sở hữu cổ phần đủ để chi phối chiến lược. Tuy nhiên, do vướng quy định tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20% vốn nên các NH nhỏ khó có thể tìm được cổ đông nước ngoài.


Hải Yên

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ vốn ưu đãi
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ vốn ưu đãi

Thừa vốn, nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay dù đã hạ lãi suất. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) khát vốn nhưng không thể vay vì sản xuất đình đốn do kinh tế khó khăn, hoặc không đủ năng lực đáp ứng tiêu chí vay của ngân hàng (NH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN