Bước chuyển của tín dụng chính sách trên Tây Nguyên

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên diễn ra từ ngày 11 - 12/3/2017 cũng là thời điểm ghi nhận gần 4 năm nỗ lực thực hiện bản ghi nhớ ngày 12/4/2013 về việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ đó, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại vùng Tây Nguyên đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Năm 2011, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên là 11.394 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc), trong khi đó nợ quá hạn gần 175 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,54%, cao hơn bình quân chung toàn quốc. Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc NHCSXH đã chỉ đạo xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên.

Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội thăm hộ anh Y Dôi Byă và chị H’Trưk Bkrôn.

Thực hiện đề án này, các chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã rà soát, sắp xếp lại các tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh liền cư, kiện toàn Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém, bầu chọn những người có uy tín và nhiệt tình làm tổ trưởng, nâng cao hơn chất lượng sinh hoạt tổ. Do vậy, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã dần dần đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng. Khách hàng vay vốn đã có chuyển biến tích cực về ý thức có vay, có trả, chấp hành tốt quy định nộp tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng và trả nợ vay khi đến hạn.

Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu đã giảm đi một nửa chỉ còn 75 tỷ đồng, chiếm 0,39% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 44,6 tỷ đồng (chiếm 0,23% tổng dư nợ), nợ khoanh 30,5 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ), thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc. Đây là thành công nổi bật trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại Tây Nguyên.


Một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng tín dụng chính sách trong vùng đó là sự vào cuộc đầy quyết tâm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đã cùng NHCSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phối hợp với NHCSXH giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo.


Những tấm gương vươn lên thoát nghèo


Hơn 500 gốc cà phê đã trổ hoa trắng muốt của gia đình vợ chồng anh Y Dôi Byă và chị H’Trưk Bkrông ở buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) như góp thêm hương sắc cho bức tranh Tây Nguyên tháng 3, vào mùa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.


Vợ chồng anh Y Dôi Byă và chị H’Trưk Bkrông cũng vừa mới dựng xong căn nhà mới và dự tính sẽ phát triển thêm chăn nuôi bên cạnh 3 con bò đã có từ nguồn vốn chính sách. Nhìn gia cảnh ấy, ít ai nghĩ rằng năm 2012, đôi vợ chồng trẻ Y Dôi Byă và H’Trưk Bkrông vẫn là hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, gia đình anh chị đã thoát nghèo. Tháng 11/2015, NHCSXH lại tiếp tục cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo, anh chị đầu tư chăm sóc thêm 5 sào cà phê, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.


Gần 10 năm là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn Hring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, bà Nguyễn Thị Đào càng thấm những hiệu quả mà đồng vốn tín dụng chính sách mang lại. Cả buôn có 58 hộ thì hiện còn 52 hộ vay vốn. Nguồn vốn tín dụng cùng những hỗ trợ người dân trong trồng trọt chăn nuôi đang dần thay đổi ý thức của các hộ, thay vì chỉ làm đủ ăn thì đã tính tới chuyện tích lũy, phát triển kinh tế hàng hóa.


Cái nghèo vì thế dù không dễ thoát qua ngày một, ngày hai, nhưng sự kiên trì bền bỉ của chính những người dân cùng sự hỗ trợ vốn kịp thời của NHCSXH đã giúp người dân thoát nghèo bền vững. Bà Đào phân tích, nếu như vay vốn các ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng khác, người nghèo dù có tài sản thế chấp vẫn phải mất rất nhiều chi phí để hoàn tất hồ sơ tín dụng trước khi đến ngân hàng, nhưng với NHCSXH người nghèo không phải mất bất cứ chi phí gì. Điều đó cũng giúp người nghèo tiết kiệm thêm một khoản trong quá trình vay vốn sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy mà trong năm 2016, tổ của bà đã có tới 6 hộ thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH.


Theo báo cáo, tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2016 là 42.353 tỷ đồng, với 2.891.297 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2016 đạt 18.769 tỷ đồng (tăng 6.375 tỷ đồng so với năm 2011), chiếm 11,92% tổng dư nợ trong toàn hệ thống, với 926.618 khách hàng còn dư nợ. Là 1 trong 3 khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại khu vực Tây Nguyên là 12,7% (so với tăng trưởng dư nợ bình quân chung toàn quốc là 10,4%).

 
Bài và ảnh: Việt Hải
Điều kiện bán lại nhà ở xã hội mua theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Điều kiện bán lại nhà ở xã hội mua theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Bà Lê Bình (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Căn hộ vay gói 30.000 tỷ đồng để mua có được phép bán lại không? Nếu được bán lại thì phải bảo đảm những yêu cầu gì của bên mua và bên bán?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN