Brexit khiến giới tài chính “ngồi trên lửa”

Thế giới lo ngại “đám mây đen” đang phủ lên khu tài chính London sẽ lan rộng sang châu Âu và thế giới.

Hai tuần lễ sau khi người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thị trường địa ốc tuột giá trên vương quốc của nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị, đồng bảng Anh tiếp tục rơi so với đồng USD và đồng euro.

Tờ Libération của Pháp trên trang nhất đã đưa tựa đề một bộ phim Pháp “Thành phố của nỗi sợ hãi” để nói đến tâm trạng của những tập đoàn ngân hàng tại London hiện nay sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rời EU (hay còn gọi là Brexit).

Một số đồng tiền chủ chốt trong giao dịch trên thế giới. Ảnh: Reuters

Tờ Le Monde nhắc đến sự “căng thẳng” do Brexit gây nên bắt đầu lan tới thị trường địa ốc ở bên kia bờ biển Manche. Cùng với đồng bảng Anh, thị trường bất động sản là nạn nhân thứ nhì của lá phiếu nói không với châu Âu (đã được gần 52% dân Anh bày tỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6). Chỉ số chứng khoán FTSE 350 Real Estate của London mất giá 21,8% trong hai tuần qua. Giới trong ngành dự kiến các hoạt động trong lĩnh vực địa ốc tại nước Anh sẽ giảm sụt đến 20% trong những tuần lễ sắp tới.

Trong khi đó, theo tờ Les Echos, khách hàng của sáu quỹ đầu tư trong ngành bất động sản tại Anh quốc không thể rút vốn khỏi các quỹ này để đem đi đầu tư vào những lĩnh vực khác, hay hướng tới các sản phẩm khác được coi là an toàn hơn. Đây là một tín hiệu mới cho thấy thị trường tài chính nước Anh đang “ngồi trên lửa”. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất năm 2007 là nguồn gốc đã dẫn tới “cơn bão” tài chính 2008 với những hiệu ứng dây chuyền, cuốn trôi hàng ngàn tỷ USD của thế giới. Vì muốn tránh để kịch bản đen tối đó tái diễn, một số nhà đầu tư đã thận trọng rút vốn ra khỏi thị trường bất động sản nước Anh.

Còn tờ Le Monde trích lại phân tích của Ngân hàng trung ương Anh cho rằng nguy cơ bất ổn đến từ chỗ trước cuộc trưng cầu dân ý, các luồng tư bản đổ vào nước Anh đã giảm đi một cách đáng kể. Điều đó có nghĩa là chính phủ và các doanh nghiệp phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Bên cạnh đó, rủi ro nợ của các hộ gia đình tăng cao khi kinh tế của bản thân nước Anh bị trì trệ, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu bước vẫn còn nhiều bất trắc.

Le Figaro thì đưa ra năm yếu tố cơ bản gây hoang mang cho toàn cầu hiệu nay sau hiện tượng Brexit. Một là sau khi đã quay lưng lại với châu Âu, nước Anh của Thủ tướng Cameron không biết tương lai đi về đâu. Thứ hai là lo ngại kinh tế Anh bị suy thoái hoặc bị khủng hoảng kinh tế đang đẩy các thị trường tài chính trên thế giới vào cảnh bấp bênh. Chiều hướng này sẽ còn kéo dài tối thiểu là suốt mùa Hè năm nay. Thứ ba là các nhà đầu tư cũng rất lo ngại khi thấy lãi suất chỉ đạo của các ngân hàng đã xuống tới mức thấp chưa từng thấy vậy mà vẫn chưa tạo đà cho tăng trưởng. Tăng trưởng yếu kém của các nước từ Âu sang Á là mối lo ngại thứ tư.

Cuối cùng, giới tài chính sợ rằng, phe chống chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu dùng Brexit như một lá bài đòi Brussels ngừng các biện pháp khắc khổ mà những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang phải áp dụng triệt để.

TTXVN/Tin Tức
Pháp vượt Anh vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất
Pháp vượt Anh vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất

Pháp đã giành lấy vị trí thứ năm của Anh trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh suy yếu của đồng bảng Anh sau Brexit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN