Bong bóng Trung Quốc đáng ngại hơn khủng hoảng Hy Lạp

Khủng hoảng Hy Lạp đang là tâm điểm trong nghị trình làm việc ở Strasbourg vàd Brussels. Cách nửa vòng trái đất, một cơn bão kinh tế nguy hiểm hơn cũng đã hình thành.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn rơi tự do, mất 30% điểm số chỉ trong vòng 3 tuần. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cảnh báo “tâm lý hoảng loạn” đang ngự trị trong giới đầu tư. Các cổ đông lớn tại các công ty niêm yết bị cấm bán ra trong vòng 6 tháng tới, hơn 1.300 công ty trên sàn đã buộc phải tạm thời ngưng dao dịch cổ phiếu.

Sau một loạt các biện pháp can thiệp của chính quyền, chứng khoán Trung Quốc đã có phiên tăng điểm mạnh hôm 9/7. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite khép lại một tuần giao dịch với mức tăng 4,5%. Sàn giao dịch Thâm Quyến cũng ghi nhận mức tăng điểm 4,6%. Thế nhưng mối lo ngại về đà suy giảm vẫn còn đó và cơn bão quét qua thị trường chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn đáng ngại hơn so với khủng hoảng Hy Lạp vì những lý do sau:

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn giảm sâu. Ảnh: Bloomberg


Trước hết là ảnh hưởng toàn cầu. Tác động tiêu cực của “cơn bấn loạn” Hy Lạp với các thị trường nhỏ hơn so với những đồn đoán trước đó. Đương nhiên có quan ngại về sự ổn định của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như tương lai của Liên minh châu Âu (EU), nhưng mức độ thiệt hại dường như đã được kiểm soát.

Ở chiều hướng ngược lại, bất ổn ở Trung Quốc đã gây ra những hệ lụy toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều giảm điểm sau đà rơi rụng ở Thượng Hải, Thâm Quyến, nhất là trong “Ngày thứ Tư đen tối” hôm 8/7, với việc chỉ số Shanghai Composite ghi nhận mức giảm điểm 8,2%. Chỉ số MSCI tại châu Á - Thái Bình Dương cũng đã tuột về ngưỡng thấp nhất trong 17 tháng qua, với sự mất điểm của chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc. Ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã cho thấy dấu hiệu loạng choạng do ảnh hưởng đến từ Trung Quốc. Trên thị trường tiền tệ, đồng yen Nhật và dollar Australia cũng có những dấu hiệu xấu, xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong nhiều năm trở lại đây.

Các biện pháp can thiệp của Bắc Kinh đã giúp chứng khoán Trung Quốc hồi phục phần nào. Nhưng giới phân tích e ngại đó chỉ là “bẫy tăng giá”. Nếu khủng hoảng tiếp tục, sẽ có nhiều bất ổn đi kèm. Các ngân hàng phi Trung Quốc đã đổ lượng vốn cho vay lên tới hơn 1.000 tỉ USD tại thị trường này, các quỹ đầu cơ nước ngoài cũng có danh mục đầu tư trị giá hàng tỉ USD tại thị trường Trung Quốc. Khi thị trường tăng, khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận lớn, nhưng khi giảm điểm thì đó thực sự là mối nguy.

Theo nhà kinh tế Paul Krugman, Hy Lạp có quy mô GDP chỉ ngang tầm với thành phố Miami (Mỹ). Trong khi đó Trung Quốc lại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đóng góp tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu. “Tác động dây truyền đến từ Trung Quốc là lớn - về thương mại, hệ thống kết nối tài chính cũng như lo lắng của giới đầu tư toàn cầu”, David Lubin chuyên gia phân tích các thị trường mới nổi tại ngân hàng Citibank (Mỹ) bình luận.

Bong bóng nợ cũng là mối nguy cần quan tâm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc có đặc điểm là bị chi phối bởi các nhà đầu tư tư nhân, nhỏ lẻ. Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, có đến 2/3 trong tổng số hơn 90 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ này thậm chí còn chưa tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Tính bất ổn tăng thêm từ các khoản vay ký quỹ - hình thức nhà môi giới cho nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính vay tiền mua chứng khoán.

Hoạt động này ổn nếu như thị trường diễn biến tích cực. Nhưng nếu như “ngày xấu trời” ập đến thì các môi giới sẽ gấp rút buộc các nhà đầu tư trả tiền để tránh những khoản lỗ tiềm năng. Hành động này có thể tạo ra hiệu ứng domino, khi giới đầu tư buộc phải bán tháo tài sản khác để tăng nguồn tiền cần thiết trong quỹ. Đó là những gì diễn ra trong vài ngày gần đây: Giá đồng đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Theo David Cui, Giám đốc Quỹ tài sản chiến lược Trung Quốc tại tập đoàn Bank of America Merrill Lynch (Mỹ), luồng tín dụng đổ vào nền kinh tế và gần đây là thị trường chứng khoán đại lục là mối quan ngại chính. Tín dụng đã bùng nổ kể từ sau thời điểm bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng ở mức độ vừa phải, nhưng các khoản nợ xấu phình to là điều khó tránh khỏi.

Cuối cùng, đà rơi của chứng khoán Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm nền kinh tế nước này có dấu hiệu chựng lại. Cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều giảm, tăng trưởng GDP trong tháng 7 được dự báo sẽ ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2008. Trong suốt quãng thời gian dài từ 1990 – 2000, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân ở cấp độ 10%, chủ yếu là tăng từ tín dụng, đầu tư. Đến năm ngoái, đà tăng chỉ còn 7,4% và tiếp tục có dấu hiệu suy giảm.

Những người lạc quan nói rằng, nền kinh tế thực của đại lục không bị ảnh hưởng bởi sự đổ vỡ từ thị trường chứng khoán. Nhưng hôm 10/6, lần đầu tiên mối lo về sự lây nhiễm ảnh hưởng đã xuất hiện, khi mà Hiệp hội ôtô Trung Quốc giảm dự báo tăng doanh số bán hàng, từ 7% xuống còn 3%. Cũng có thông tin cho thấy, các nhà đầu tư địa ốc hiện đang rút tiền khỏi Trung Quốc để chuyển sang các thị trường an toàn hơn ở Canada, Australia, Anh.

Khi mà khủng hoảng xuất phát từ những vấn đề liên quan đến cấu trúc, thì những tiếng nói lạc quan kia sẽ không còn đủ sức thuyết phục. Trong bối cảnh mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu, thì vẫn đề Hy Lạp có thể sẽ không phải là mối lo hàng đầu.

Hoài Thanh (Theo Politico)
Bất ổn Hy Lạp và Trung Quốc không cứu nổi thị trường vàng
Bất ổn Hy Lạp và Trung Quốc không cứu nổi thị trường vàng

Thị trường vàng thế giới tuần qua đã chịu sức ép đi xuống trong hầu hết các phiên do những bất ổn tại Hy Lạp cùng sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN