Bốn tỉnh duyên hải phía Đông Nam Bộ tìm cơ hội liên kết phát triển

Ngày 25/4, tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc họp với ba tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang cùng các nhóm chuyên gia nhằm tìm khả năng hợp tác phát triển vùng duyên hải phía Đông Nam Bộ.


Những năm gần đây, nông dân vùng đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) mạnh dạn đưa sả xuống trồng trên chân ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết: Cộng hưởng những ưu điểm, tạo ra những sức mạnh chung đang là vấn đề bốn tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang quan tâm với mong muốn cùng nhau liên kết, tạo ra hướng phát triển mới. Tuy nhiên, nếu không tạo ra được một cơ chế, chiến lược mang tính tầm nhìn xa về liên kết thì sẽ tạo ra sự lúng túng, không tồn tại được trong khu vực.

Từ kinh nghiệm tư vấn cho các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên hình thành mối liên kết phát triển, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường.

Các địa phương phát triển riêng lẻ có thể dẫn đến mâu thuẫn chồng chéo, trùng lắp về kinh tế, xã hội và môi trường dẫn đến kém hiệu quả. Vì thế liên kết vùng sẽ giúp phân công vai trò giữa các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh cạnh tranh không cần thiết, ông Thiện phân tích.

Bởi vậy, lãnh đạo các tỉnh cần cùng nhau phân tích tình hình, xác định tầm nhìn mà tất cả các bên mong muốn, xác định các lĩnh vực liên kết (theo 3 mảng kinh tế, xã hội, môi trường), như vậy mới hài hòa hóa nhu cầu và thế mạnh của từng địa phương trong mối quan hệ chung.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Giáp, Đại học Fulbright, đã nêu những thách thức, khó khăn mà bốn tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cần quan tâm khi cùng nhau liên kết phát triển như: xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt; nước biển dâng và xói mòn bờ biển; phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và tăng trưởng nông nghiệp giảm; công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết nối hạ tầng quy mô nhỏ…

Để giải quyết vấn đề, theo ông Giáp, các tỉnh nên chú ý đến ba lĩnh vực liên kết: sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi; nâng cấp hạ tầng giao thông; đầu tư quản lý tài nguyên nguồn nước; tìm ngành mũi nhọn để xác định phát triển và các ngành để phát triển ngành mũi nhọn.

Đặc biệt, cần có “nhạc trưởng” để quản lý, điều hành vùng liên kết; xây dựng một quản lý vùng, cơ chế quản lý vùng… Nếu thiếu cơ chế tài chính thực hiện liên kết vùng, thiếu cơ chế chia sẽ thông tin, tồn tại nhiều xung lực có thể phá vỡ liên kết vùng, ông Giáp nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư tỉnh Trà Vinh, các tỉnh cần bàn liên kết những gì để phát huy thế mạnh của bốn tỉnh với vùng biển rất lớn. Yêu cầu đặt ra là quản lý, khai thác hiệu quả trong đánh bắt, khai thác, chế biến nuôi trồng thủy sản; trong sản xuất nông nghiệp phải quyết việc làm cho những tỉnh nghèo có đồng bào thiểu số…

Đồng tình cao về sự hợp tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu đề xuất, nếu xác định liên kết, hợp tác để cùng nhau tiến bộ, phát triển thì cần cùng nhau đánh giá tìm ra những điểm chung như: tiềm năng phát triển trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; lợi thế so sánh để phân công sắp xếp hài hòa; kết nối để nâng cao chuỗi giá trị.

Ví dụ, ở Bến Tre cây dừa được chọn để xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Tỉnh Bến Tre có các nhà máy chế biến dừa, tỉnh Vĩnh Long trồng dừa thì bán cho Bến Tre để chế biến.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho rằng, nếu ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh không phát triển ra hướng Đông – hướng biển thì sẽ vĩnh viễn nghèo. 

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long và một phần tỉnh Trà Vinh là vựa trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long nên không có lý do gì phải chỉ bán trái thô mà cần nâng cao giá trị, tạo ra các khâu chế biến nhằm tăng thêm giá trị thu nhập. Ví dụ: tỉnh Vĩnh Long sẽ là trung tâm trái cây nói chung, Bến Tre là trung tâm của trái dừa.
Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Liên kết chuỗi: Giải pháp hạ giá thành cho ngành chăn nuôi
Liên kết chuỗi: Giải pháp hạ giá thành cho ngành chăn nuôi

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn liên tục giảm sâu, tiếp đến giá gia cầm cũng giảm mạnh khiến người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ người chăn nuôi phải treo chuồng đang hiện hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN