Bốn năm không in tiền từ 5.000 đồng trở xuống tiết kiệm được 1.900 tỷ đồng

Tiếp tục chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết, riêng Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, còn nếu tính từ năm 2013, tổng số tiền tiết kiệm được lên đến 1.900 tỷ đồng.

Ngày 4/1, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết để tiết kiệm chi phí. 

Dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương từ năm 2013 lên đến 1.900 tỷ đồng.

Theo NHNN, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, NHNN sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng (TCTD) trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

Ảnh minh họa: Nguyễn Hà

Thống đốc NHNN giao giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan báo đài tại địa phương tuyên truyền người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ. Nghiêm cấm cán bộ NHNN, TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Giám đốc NHNN các chi nhánh kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm trường hợp cán bộ vi phạm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết, NHNN đã điều chuyển tiền mặt từ Trung ương tới NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố sớm hơn mọi năm do Tết Đinh Dậu đến sớm để nâng cao mức dự trữ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, trong đó ưu tiên điều chuyển đến các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, có mức thu- chi tiền mặt cao và tập trung nhiều máy ATM như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…Đến nay, công tác điều chuyển tiền mặt đang được thực hiện một cách khẩn trương, đảm bảo an toàn tuyệt đối, hoàn thành trước ngày 20/1.

NHNN cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp nếu có nhu cầu chi tiền mặt đột biến. Trước đó, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 10008/NHNN-VP về việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết, trong đó yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN chỉ đạo các TCTD trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân, tuyện đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của cơ quan, doanh nghiệp; tăng cưởng giám sát các TCTD đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng; kiểm tra xử lý vi phạm trong đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM trên địa bàn theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng dịch vụ ATM.

Minh Phương
Nhộn nhịp đổi tiền lẻ cuối năm
Nhộn nhịp đổi tiền lẻ cuối năm

Thời điểm này, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới lại trở nên sôi động do nhu cầu đổi tiền để mừng tuổi, đi lễ chùa của người dân tăng cao. Năm nay, do Ngân hàng Nhà nước không in thêm tiền mệnh giá nhỏ, nên các loại tiền này càng trở nên khan hiếm, phí chênh lệch đắt đỏ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN