"Bơm" ngoại tệ để điều tiết thị trường ngoại hối

"Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước “bơm” ngoại tệ ra thị trường để đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Và từ nay cho tới Tết Nguyên đán, Chính phủ cũng sẽ không tăng tỷ giá và biên độ tỷ giá VND/USD". Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy cho biết sáng qua (4/11).

Theo ông Thúy, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp xung quanh vấn đề điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất vào tối 3/11.

"Tỷ giá đang là vấn đề nóng. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do vượt xa trần 19.500 đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và tăng liên tiếp trong nửa tháng qua. Dư luận đang rất kỳ vọng sẽ điều chỉnh tỷ giá. Do đó, nhiều người đã đổ xô đi mua càng khiến giá USD bị kích lên cao", ông Thúy phân tích.

Ông Thúy cho biết, quy mô giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng đã giảm, trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ mức 3% giảm xuống 1% và thời gian gần đây là 0%. Điều này cho thấy, các ngân hàng không dư thừa ngoại tệ nên không thể nói là ngân hàng găm giữ ngoại tệ.

“Sức ép giảm lãi suất VND cùng với lạm phát đang có xu hướng tăng đã tạo nên tâm lý tích trữ ngoại tệ trong dân chúng. Trong 15 ngày đầu tháng 10/2010, tiền gửi tiết kiệm bằng VND giảm 45.000 tỷ đồng, nhưng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng thêm tương đương 20.000 tỷ VND", ông Thúy nói.

"Nhiều ngân hàng cho chúng tôi biết, người dân đang rút tiết kiệm VND để mua USD gửi ngân hàng, số tiền được rút ra hơn 40.000 tỷ đồng để chuyển sang USD hoặc vàng. Vì vậy, một số người cho rằng, cần phải can thiệp vào tỷ giá", ông Thúy phân tích.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Chính phủ, việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá lúc này là không có lợi, nhất là khi USD đang yếu đi so với các đồng tiền khác trên thế giới và bản thân giá trị tiền đồng không đến mức quá giảm sút.

"Bơm" ngoại tệ

Trong tháng 9/2010, NHNN đã mua 300 triệu USD dự trữ thêm nhưng đến tháng 10/2010 đã bán ra 200 triệu USD để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, biện pháp này chưa đủ mạnh. Thị trường ngoại hối vẫn liên tục lên cơn sốt.

Để giải quyết tình trạng căng thẳng ngoại tệ, ông Thúy cho biết, Chính phủ đồng ý “bơm” mạnh ngoại tệ hơn phục vụ nhu cầu thiết yếu như xăng, phân bón...

"Khi có những nhu cầu vốn loại này, ngân hàng cần đáp ứng ngay chứ không phải đợi xem xét, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Thúy phát biểu.
Theo ông Thúy phân tích, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm so với mức đỉnh cao (khoảng 23 tỷ USD) trước đây, nhưng vẫn đủ để can thiệp bình ổn thị trường. Việc tăng tỷ giá thường nhằm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Ở thời điểm hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt, khoảng 23%, trong khi nhập siêu giảm mạnh nên tỷ giá không thể tăng mạnh.

Để lãi suất VND vận hành theo thị trường

Bên cạnh việc “bơm” ngoại tệ để ổn định thị trường, ông Lê Đức Thúy cho biết, Chính phủ sẽ để lãi suất VND vận hành theo tín hiệu thị trường, không thực hiện chủ trương giảm lãi suất như trước đây.

"Chính phủ từng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để phục vụ doanh nghiệp. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi, lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn so với dự kiến. Do đó, Chính phủ không chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất nữa, vì theo xu hướng vận động luồng tiền, lãi suất VND giảm, đồng USD càng có giá. NHNN để ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu của thị trường", ông Thúy nói.

Theo ông Thúy, việc này có thể làm cho lãi suất sẽ tăng lên nhưng không đáng kể, lãi suất huy động VND sẽ tăng lên mức khoảng 12-13%, lãi suất cho vay 15-17% là thị trường có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.

"Chính phủ cũng biết, lãi suất cơ bản không còn là công cụ điều chỉnh thị trường, NHNN cần phải sử dụng công cụ là lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở… để tác động đến mặt bằng lãi suất", ông Thúy nói.

Về thị trường vàng, ông Thúy cho biết, vàng trong dân rất lớn (khoảng 1.000 tấn), tương đương 45 tỷ USD mà không biến thành luồng vốn chính thức, trở thành luồng vốn gây bất ổn cho chính sách tiền tệ. Do đó cần có biện pháp trung gian để đưa dòng vốn này vào lưu thông chính thức.

Hữu Vinh (Báo Tin tức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN