Bỏ tiền vào đâu khi kinh tế vĩ mô có biến chuyển mới?

Kinh tế vĩ mô đã xuất hiện những biến chuyển mới, mang tính tích cực: Chỉ số lạm phát mấy tháng gần đây hạ nhiệt dần, lãi suất đã hạ và có xu hướng ngày càng hạ thấp... Trong bối cảnh này, việc có tiền nhàn rỗi nên bỏ vào kênh đầu tư nào dựa trên các tiêu chí: Vừa an toàn, vừa hiệu quả là câu hỏi đang được đặt ra.

Lãi suất giả tiết kiệm không còn hấp dẫn “số 1”

Nếu như 8 tháng qua, gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư sinh lời số 1 (xét độ an toàn và tỉ suất lãi) vì theo “thỏa thuận” của từng ngân hàng, lãi suất huy động dao động từ 17 – 19%/năm. Với tỉ suất lãi này và bên cạnh đó là sự suy thoái của các thị trường bất động sản, chứng khoán, nhiều nhà đầu tư (NĐT) chọn việc gửi tiết kiệm thay vì giữ chứng khoán hay đổ tiền vào bất động sản (BĐS).

Tuy nhiên, với chính sách điều hành thị trường tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước (Chỉ thị 02), lãi suất của kênh gửi tiết kiệm sẽ được áp dụng đồng loạt chỉ 14%/năm trên toàn hệ thống thì đối với các nhà đầu tư (NĐT), mức lãi này sẽ không còn độ hấp dẫn số 1. Thậm chí, mức lãi suất huy động 14% cũng không thể duy trì lâu bởi theo NHNN, lãi suất sẽ tiếp tục phải hạ xuống để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vàng: rủi ro khó lường

Từ năm 2010 đến nay, trước sự bất ổn của kinh tế thế giới, vàng không những trở thành kênh đầu tư an toàn mà còn có mức sinh lời cao nhất trong các kênh đầu tư. Giá vàng từ 27 triệu đồng/lượng (năm 2010) đã tăng lên 49 triệu đồng/lượng (tháng 8/2011). Nếu đầu tư vào vàng vật chất, tính đến tháng 8/2011, NĐT có mức lợi nhuận tăng gần 100%. Chỉ cách đây 1 tháng, các NĐT càng phấn chấn hơn khi xuất hiện nhiều nhận định của các chuyên gia tài chính, chuyên gia vàng thế giới cho rằng giá vàng có thể đạt tới mốc 2.000 USD/oz cuối năm nay và 2.500 USD/oz vào năm 2012.

Khách hàng làm thủ tục vay tiền tại Hội sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ngày 12/9 theo lãi suất mới. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên, những ngày gần đây, viễn cảnh tăng của giá vàng dường như đã đảo chiều. Sau khi đạt đỉnh 1.923 USD/oz, giá vàng bước sang vùng trượt dốc. Kể từ đầu tháng 9, các quỹ đầu tư vàng thế giới đang thực hiện bán tháo vàng để chuyển sang các kênh đầu tư hàng hóa khác.

Ông Lê Trung Dũng, Phòng phân tích Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, vàng biến động rất khó lường và mức độ rủi ro về giảm giá cũng không thể lường hết. Có thể chỉ trong 1 – 2 ngày, NĐT có thể lỗ 15 – 30% vốn là bình thường. Còn khi vào xu hướng giảm, vàng có thể làm NĐT thua lỗ đến 50% vốn chỉ trong 1 tuần. “Chốt lại, vàng là kênh đầu tư rất khó lường, đầu tư lâu dài có thể được, nhưng nếu đầu tư lướt sóng thì rủi ro của kênh đầu tư này đang ở mức độ cao vì vàng đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm đến nay!”, ông Dũng nói.

Bất động sản chưa thể tính ngay

Bàn về việc đầu tư bất động sản hiện nay, dù là nhà hay đất giá đã giảm 20 – 30% ở Hà Nội và đến 40% tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng kênh đầu tư này cũng không nhận được sự hưởng ứng của người có tiền.

Theo chuyên gia BĐS Renato Shordon, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu bất động sản độc lập tại Hà Nội, BĐS Việt Nam hiện đang ở mức giá quá cao so với thu nhập của người dân, nên sức cầu phụ thuộc lớn vào những người kiếm được tiền trong ngắn hạn. Nhiều năm trước đây, nếu tính sự hồi phục từ đáy của hai thị trường chứng khoán và BĐS thì quy luật theo năm cho thấy, TTCK tăng điểm liên tục khoảng 2 năm thì BĐS mới hồi phục. Theo quy luật tháng thì TTCK tăng liên tục khoảng 6 tháng thì sau đó là một đợt tăng giá của BĐS.

Có hiện tượng trên, đơn giản là vì khi TTCK tăng dài sẽ tạo ra một lớp NĐT có tiền (vì lãi trong TTCK), lớp NĐT này muốn hiện thực hóa lợi nhuận bằng tài sản thực là BĐS. Khi lực cầu này xuất hiện thì các nhà đầu cơ của thị trường BĐS mới tham gia trở lại, cơ hội tăng giá BĐS mới thực sự có.

Chứng khoán an toàn?

Theo các nhà phân tích chứng khoán, xét về hiệu quả và thời gian đầu tư, nếu như NĐT có 1 tỉ đồng vào thời điểm này, đưa vào đầu tư chứng khoán sẽ có khả năng sinh lời nhanh và cao hơn các kênh khác, trong khi lại đảm bảo an toàn.

Khả năng của TTCK dựa trên cơ sở như CPI trong thời gian tới sẽ hạ nhiệt, lãi suất vay vốn hạ, các hoạt động sản xuất sẽ phục hồi và kinh tế vĩ mô sẽ khởi sắc. Khi kinh tế vĩ mô khởi sắc, các doanh nghiệp trên sàn niêm yết sẽ có kết quả kinh doanh lãi, điều này làm tăng sự kỳ vọng của các NĐT, TTCK sẽ tăng điểm.

“Nếu đầu tư vào một cổ phiếu BĐS trên TTCK thời điểm này có giá 6.000 – 8.000 đồng/CP thì khi kinh tế vĩ mô khởi sắc, TTCK tăng điểm, cổ phiếu BĐS này có thể tăng lên giá 15.000 - 18.000 đồng/CP trong 1 - 2 năm tới. Nhưng đầu tư một lô đất có giá 30 triệu đồng/m2 thì 2 năm sau, rất khó có cơ sở để dự tính giá sẽ tăng gấp 3 lần như chứng khoán”, ông Lê Trung Dũng nói. “Trên TTCK hiện nay có rất nhiều cổ phiếu giá đang ở mức dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/CP) và chỉ bằng 1/2 - 1/3 giá trị sổ sách, trong khi điều kiện sản xuất, kinh doanh vẫn ổn định. Mức cổ tức dự kiến năm 2011 khoảng từ 15 – 18%. Đây là những tiêu chí phản ánh sự an toàn của kênh đầu tư này, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang manh nha những tín hiệu tích cực”, ông Dũng phân tích.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN