Bộ Tài chính tiếp nhận nhiều phản ánh về sản phẩm bảo hiểm

Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi đường dây nóng về các sản phẩm bảo hiểm đi vào hoạt động ngày 21/2/2023, tính đến hết ngày 31/7/2023, Bộ đã tiếp nhận, xử lý 213 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 479 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.

Bộ này cũng cho biết, trong 7 tháng của năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 870.000 tỷ đồng, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 751.131 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 727.964 tỷ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 662.407 tỷ đồng.

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 570.916 tỷ đồng, tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 536.993 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 181.951 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 130.138 tỷ đồng, giảm 5,54% so với cùng kỳ năm trước. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.068 tỷ đồng, tăng 23,51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2023, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần trình Bộ Tài chính về kết quả thanh tra chuyên đề tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam theo trình tự thủ tục quy định.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính đã ban hành 4 kết luận thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng thừa nhận, trong quá trình tăng trưởng nhanh về lượng, thì “chất” lượng bảo hiểm chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Theo Bộ trưởng, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance). Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, cần nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. Doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bảo hiểm, về phía khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.

Thùy Dương (TTXVN)
Generali Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược 'Bảo hiểm Minh bạch'
Generali Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược 'Bảo hiểm Minh bạch'

Generali Việt Nam chính thức áp dụng định danh và xác thực khách hàng điện tử (e-KYC) bắt buộc từ 1/8/2023. Đây là nỗ lực không ngừng của Generali Việt Nam với hàng loạt những cải tiến mạnh mẽ về quy trình, công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Bảo hiểm Minh bạch”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN