Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 'đứng đầu' về số dự án không hiệu quả

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Theo các báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/8/2017, có 43 dự án của các doanh nghiệp (các tổng công ty, công ty) thuộc các bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả theo một số tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Hình minh họa. Ảnh: TTXVN

Hầu hết, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các bộ, ngành quản lý; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy và có một số dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư.

Còn theo báo cáo của các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhìn chung các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là do thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài… Các dự án này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn là chính.

Cụ thể, lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có 14 dự án thuộc Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương). Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án) nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Nguyên nhân chính là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư). Một số cơ quan quản lý chặt chẽ doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng cũng có doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (5/5 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng là của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).

Ngoài ra, 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số dự án không hiệu quả nhiều nhất với 27 dự án, tuy nhiên số vốn đầu tư lại không lớn, vào khoảng gần 910 tỷ đồng. Số dự án không hiệu quả chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long.

Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân (người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp) trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

Đồng thời, sớm hình thành Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện dự án dẫn tới sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra các giải pháp để giải quyết dứt điểm các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhằm lành mạnh hóa tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khi thực hiện đầu tư phải công khai, minh bạch và đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được tư vấn có chất lượng trong các khâu lập dự án, thẩm định dự án, triển khai thực hiện dự án, quản lý dự án.... 

Khi thực hiện dự án đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đấu thầu; đồng thời, thực hiện việc đầu tư bảo đảm phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, tránh phân tán nguồn lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cần xây dựng bộ máy chuyên nghiệp để thực hiện việc đầu tư tại doanh nghiệp dưới hình thức Ban quản lý chuyên ngành trên cơ sở xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh để có thể áp dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với mô hình của từng loại hình doanh nghiệp…

Thúy Hiền (TTXVN)
Sẽ có khoảng 15 – 20 tỷ USD từ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Sẽ có khoảng 15 – 20 tỷ USD từ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2017 - 2018 sẽ có khoảng 15 – 20 tỷ đô từ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là những “món ăn ngon” đang được các nhà đầu tư ngoại nhòm ngó, điều này sẽ góp phần kích hoạt các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN