Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của ngành hàng.
Kiện phòng vệ gia tăng
Doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn khi Hoa Kỳ chính thức đánh thuế nhập khẩu lên đến hơn 200% sản phẩm thép Việt vì liên quan đến vấn đề trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ vào năm 2018. Nguyên nhân của tình trạng trên được Hoa Kỳ cho rằng, sản phẩm thép của nước khác được nhập vào Việt Nam, sau đó mới xuất khẩu nhằm tránh thuế quan.
Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hết năm 2018 đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như: sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Một số mặt hàng xuất khẩu khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như: ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU.
Đầu tháng 12/2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) đã ra phán quyết cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc mức 96,3% đến 176,2% trong 5 năm. Trong bối cảnh đó, lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Đầu tháng 2/2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18/1/2019. Theo số liệu thống kê của EU, xe đạp điện từ Việt Nam sang EU đã tăng sau khi EU tiến hành điều tra.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang các nước tăng mạnh, trong bối cảnh các mặt hàng này đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ có xứ từ các nước khác, rất dễ dẫn đến nguy cơ Việt Nam cũng bị điều tra vì liên quan lẩn tránh thuế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chân chính trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, gian lận xuất xứ hàng hóa, mượn xuất xứ của Việt Nam để hưởng lợi không phải là mới, song để giải quyết dứt điểm lại không phải dễ dàng. Ngành thép là ngành chịu áp lực kiện phòng vệ thương mại và lẩn tránh thuế nhiều trong các ngành, chiếm tới 60-70%.
“Nếu các thị trường nhập khẩu hàng của Việt Nam phát hiện hành vi gian lận, họ sẽ có xu hướng áp dụng luôn mức thuế phòng vệ cho hàng hóa tương tự của cả quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn cho cả ngành hàng”, ông Sưa nói.
Lấp “lỗ hổng”
Phân tích rõ hơn về gian lận xuất xứ, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Trường Sơn cho biết, hàng hóa của các nước lân cận không có lợi thế về mặt thuế suất có thể mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Khi đó, Việt Nam sẽ bị đánh giá gia tăng lượng xuất khẩu, thậm chí xuất siêu và từ đó, các nước khác sẽ gây khó khăn trong chính sách nhập khẩu các hàng hóa từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, khi để “lỗ hổng” mượn xuất xứ hàng hóa xảy ra, hàng Việt sẽ bị hiểu lầm, thậm chí nếu có liên quan tới các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…, do đó uy tín hàng Việt trên thế giới sẽ giảm đi rất nhiều.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến nhiều cơ hội cạnh tranh hơn cho hàng Việt, song cũng có thể là nguyên nhân chính cho việc hàng hoá nước khác tìm cách chuyển sản phẩm hoặc bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất, xuất khẩu nhằm hưởng lợi. Nếu trong trường hợp, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng mạnh, mặt hàng này có thể bị áp thuế cao.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành vẫn đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh. Do vậy, đây vẫn là kẽ hở để gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ gia tăng.
Ông Võ Trường Sơn cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, lấp các “lỗ hổng”. Bên cạnh đó, trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường giám sát, làm thật chặt chẽ hơn nữa.
Với ngành chịu nhiều áp lực từ phòng vệ thương mại, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tích cực sử dụng nguyên liệu trong nước. Hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) để sản xuất thép tấm lá và các loại tôn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được việc khởi kiện, áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường lớn, điển hình như Hoa Kỳ hay các thị trường khác.
“Ngoài ra, chúng ta phải có chính sách bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ “sân nhà”, ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Để làm được việc này, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa, ngăn chặn hàng kém chất lượng, bán phá giá tại thị trường Việt để bảo vệ doanh nghiệp”, ông Sưa nói.
Theo khuyến nghị từ Bộ Công Thương, ứng phó với gian lận xuất xứ hàng hoá, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại…