Bình ổn thị trường Tết

Theo dự kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 28/1, sức mua của người dân trong tháng 1 này sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, do kỳ nghỉ kéo dài 8 ngày nên nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch của người dân cũng sẽ cao hơn so với mọi năm.

Kiểm tra hàng hóa tại Siêu thị Metro An Phú - Tập đoàn Cash & Carry Việt Nam (TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hàng hóa, kiềm chế giá cả, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Không để giá tăng bất hợp lý

Bộ Công Thương cho biết: Tính đến thời điểm này, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở các địa phương đã cơ bản được chuẩn bị đủ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặc dù vậy, so với năm 2010 thì mặt bằng giá hàng hóa Tết năm nay đã tăng 10 - 20% tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm bởi giá đã được tăng từ trước Tết Dương lịch. Cùng đó, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích rau, hoa, màu và vật nuôi phát triển chậm hoặc bị chết rét.

Hơn nữa, vào thời điểm tháng cận Tết Âm lịch, giá hàng ăn, lương thực, thực phẩm tăng rất cao. Khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá rau, củ tăng phổ biến 20 - 40%. Giá thịt lợn tăng lên mức 100.000 đồng/kg, thịt bò dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, giá thịt gà ta cũng lên 150.000 - 160.000 đồng/kg. Các mặt hàng thủy hải sản cũng tăng giá khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, xúc xích, thịt nguội... đã tăng thêm 5.000 - 15.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, trong 20 ngày đầu tháng 1/2011, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu trong nước nhìn chung đã tăng so với cùng kỳ tháng 12/2010 đặc biệt là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm như: Thịt lợn hơi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, thịt bò thăn tăng tới 10.000 - 15.000 đồng/kg; các loại rau quả tươi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ đường trắng cũng tăng khoảng 1.000 đồng/kg, ở mức 20.000 - 23.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), vừa qua Cục và Ban chỉ đạo 127/TW đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127 các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra cung cầu, giá cả hàng hóa, thị trường Tết Tân Mão; kiểm soát quản lý giá tại các địa phương; tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là ngăn chặn xuất lậu xăng dầu; kiểm soát xử lý các hành vi gian lận thương mại.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, các chương trình bình ổn thị trường Tết đang được triển khai tích cực, tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số khu vực ngoại thành, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã tổ chức chương trình khuyến mại, hội chợ, các đợt bán hàng Tết, hàng hóa cung ứng dồi dào, đa dạng, giá bán hợp lý và ổn định so với thị trường bên ngoài.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, các loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dù có tăng cũng nằm trong tầm kiểm soát và nguồn hàng đã được doanh nghiệp chuẩn bị sớm nên sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Chuẩn bị nguồn hàng phong phú

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, để chuẩn bị bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán này, ngay từ tháng 6/2010 đến hết tháng 3/2011, Sở Công Thương Hà Nội tạm ứng 400 tỷ đồng với lãi suất 0% cho 13 doanh nghiệp mua hàng thiết yếu dự trữ phục vụ nhân dân 9 mặt hàng.

Lượng hàng dự trữ gồm: Gạo các loại 6.400 tấn; thịt gia súc 1.520 tấn; thịt gia cầm 560 tấn; trứng gia cầm 12 triệu quả; thủy, hải sản đông lạnh 800 tấn; thực phẩm chế biến 1.280 tấn; dầu ăn 240 tấn; đường 240 tấn; rau, củ các loại 4.000 tấn. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, BigC, Intimex… cũng có kế hoạch dự trữ 1.200 tỷ đồng hàng hóa dịp Tết. Mạng lưới cung ứng hàng hóa bình ổn gồm 396 điểm.

Các điểm bán hàng tăng gấp 2 lần so với năm trước. TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ 380,608 tỷ đồng cho 14 doanh nghiệp vay lãi suất 0% dự trữ hàng hóa bình ổn trong 10 tháng (từ 1/6/2010 đến hết tháng 3/2011). Riêng lượng hàng tham gia bình ổn trong 2 tháng dịp Tết Tân Mão gồm: Gạo tẻ, gạo nếp 9.000 tấn; đường kính 4.200 tấn; dầu ăn 1.500 tấn; thịt gia súc 8.000 tấn; thịt gia cầm 3.100 tấn; trứng gia cầm 27 triệu quả; thực phẩm chế biến 3.000 tấn; rau, củ, quả 3.000 tấn.

Đến hết tháng 1/2011, các doanh nghiệp đã mở thêm 100 điểm bán nữa để phục vụ Tết. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi để chuẩn bị hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết với thời hạn 2 tháng…

Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá Tết Tân Mão 2011 không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Trong phân phối, lưu thông, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng để đưa hàng bình ổn về nhiều vùng, miền. Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường để cùng chính quyền, các ngành chức năng kiểm soát hiệu quả giá cả, đảm bảo hàng hóa cung cấp đủ, với giá hợp lý để người dân vui xuân đón Tết.

Uyên Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN