Bình Định gồng mình chống hạn

Kể từ cuối năm 2013 đến nay, tại Bình Định, nắng nóng diễn ra gay gắt và lượng mưa ít ỏi, nên tình trạng nắng hạn nặng đã xảy ra trong nhiều tháng qua tại một số địa phương. Đây cũng là đợt hạn hán nặng nhất trong 30 năm trở lại đây.


Hạn hán đã làm cho hầu hết ao hồ, sông suối, giếng nước sinh hoạt bị cạn nước; trên 15.000 ha cây trồng thiếu nước tưới và hơn 30.000 hộ dân lâm vào tình cảnh thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng.

 

Cánh đồng lúa hè thu của xã Cát Trinh bị nắng hạn thiêu cháy.


Trong những ngày này, khi tình hình nắng nóng vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, chúng tôi về một số vùng hạn nặng của huyện Phù Cát và được chứng kiến cảnh người dân vùng đất khát đang phải gồng mình chống hạn để cứu lấy cây trồng, vật nuôi và chật vật kiếm tìm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Tại địa bàn các xã bị hạn nặng nhất như: Cát Trinh, Cát Tường và Cát Nhơn, huyện Phù Cát, cảnh tượng hiện lên trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa cháy, thôn xóm xác xơ, nhiều cây cối chết trụi. Những khu rừng trồng trên núi cũng đã chuyển sang màu “khô cháy”. Những hồ nước thủy lợi và đặc biệt các giếng nước cũng đã khô tận đáy.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương:

Lượng mưa phổ biến ở các tỉnh ven biển Trung Bộ tháng 7 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ với lượng mưa dao động từ -20+20% so với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Nam Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN, với lượng mưa thấp hơn từ 20 - 40% so với cùng kỳ nhiều năm. Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ từ Nghệ An - Ninh Thuận từ T5 - T8 (mùa khô), lượng mưa được dự báo ở mức thấp hơn so với TBNN. Tình trạng khô hạn thiếu nước tại khu vực này phải kéo dài đến cuối tháng 8 mới được dần cải thiện.

Huyền Tím


Đứng giữa cánh đồng lúa xã Cát Trinh, ông Phan Sĩ Hùng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện buồn rầu cho biết: “Đây là cánh đồng có tổng diện tích trên 100 ha và đến nay đã có hơn 50 ha bị khô cháy. Để cứu lấy thành quả của sức lao động của người dân, trong những tháng qua, lãnh đạo huyện và các địa phương đã vận động bà con huy động mọi nguồn lực hiện có, dồn sức chống hạn, cứu cây trồng có khả năng cứu được và lo tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân và vật nuôi”.


Suối Lồ Ô, thôn Phú Gia, xã Cát Tường trước đây là một con suối sâu nước đầy ắp, hàng năm cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn ha cây trồng của nhiều xã khu Đông của huyện vào mùa nắng nóng. Thế mà bây giờ, con suối này đã trở thành “con suối chết”. Tại đoạn dòng suối đi qua cây cầu trên tỉnh lộ 365 có rất nhiều nông dân đang hì hục đào, tìm kiếm mạch nước ngầm cứu lấy cây trồng vụ hè thu.

 

Ông Đặng Tấn Hội, một nông dân đang tìm nguồn nước tại đây cho biết: “Đã hơn 8 tháng nay Bình Định chỉ có nắng hạn và cách đây 2 tháng, dòng suối này đã trơ đáy. Cả cánh đồng của xã Cát Tường đều dựa chủ yếu vào nguồn nước suối này để tưới tiêu. Bây giờ, chúng tôi huy động một số gia đình ra đây đào hầm dưới lòng suối để tìm nguồn nước. Rất may, chúng tôi cũng đã tìm được bọng nước ngầm. Chúng tôi chỉ còn phải kéo đường dây điện dài gần nửa km là có thể bơm được nước. Bà con sẽ thực hiện phương pháp tưới nước tiết kiệm, tưới ẩm để cứu gần 10 ha lúa vụ hè thu 2014”.


Tại xã Cát Nhơn và đặc biệt là xã Cát Trinh đến nay đã có hàng nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Hồng Công, thôn Chánh Liêm, xã Cát Nhơn, mới đi chở mấy thùng nước giếng cách đó nửa km về dùng cho biết: “Nhà em có cái giếng sâu hơn 15 m. Từ trước đến nay, gia đình sử dụng nguồn nước này để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và giếng chưa bao giờ bị cạn. Thế nhưng, trận hạn năm nay, giếng đã khô cạn hơn 1 tháng. Gia đình phải đi lấy nước nơi khác về dùng, rất vất vả”.


Ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn cho biết thêm: Người dân địa phương nơi đây thường dùng nước giếng. Nhưng năm nay, hạn hán kéo dài đã làm cho hầu hết các giếng bị cạn kiệt. UBND xã đã hỗ trợ kinh phí cho nông dân vừa đào giếng mới, khơi bọng giếng cũ để lấy nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi và đặc biệt là nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các giếng nước đã kiệt không còn sử dụng được. Để giải quyết nguồn nước sinh hoạt qua ngày cho người dân, một mặt xã vận động người dân có một số giếng còn nước rỉ sẻ chia cho nhau. Mặt khác, xã đã thuê xe bồn chở nước, hoặc mua nước bình cấp cho người dân.


Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh cho biết: Tại xã có hồ thủy lợi Suối Chay, công suất thiết kế 1,8 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 500 ha cây trồng 2 xã Cát Trinh và Cát Tân. Đến nay, hồ này đã trở thành “hồ chết”. Lãnh đạo xã vận động các nhà có giếng còn nước chia sẻ cho những nhà giếng cạn lấy nước về dùng cầm cự. Riêng thôn An Đức có 100 hộ thì toàn bộ các giếng đào đã khô đáy. Để giúp người dân nơi đây có nước sinh hoạt, lãnh đạo xã đã trích ngân sách và thuê nhân công khoan một giếng nước dưới lòng suối Gò Quy. Người dân phải mua máy bơm và kéo điện, lắp đường ống bơm nước về sử dụng.


Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Đến nay, toàn huyện có 21/22 hồ chứa nước thủy lợi bị cạn kiệt. Hạn hán đã làm cho trên 2.100 ha cây trồng bị hạn nặng. Trong những tháng qua, nhiều người dân địa phương đã “gồng mình” đào ao, khoan giếng, tìm nguồn nước và đến nay đã cứu được 924 ha lúa. Tuy nhiên, hiện còn trên 3.560 hộ với hàng chục nghìn nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nếu từ nay đến tháng 8/2014, trời vẫn không mưa, thì kế hoạch triển khai vụ mùa sẽ bị đình trệ và việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt cho người dân sẽ lại là một thách thức lớn.


Còn tại huyện Phù Mỹ, một trong những huyện cũng bị hạn hán nặng nhất của tỉnh Bình Định đã có 41/44 hồ chứa nước thủy lợi bị cạn kiệt và khô đáy. Hạn hán đã làm cho hơn 8.200 ha cây trồng bị hạn nặng, trong đó đã có gần 1.000 ha cây trồng bị chết. Đồng thời, đến thời diểm này đã có gần 8.000 hộ/40 nghìn nhân khẩu rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nguy cấp.


Tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Định lần thứ 14 mới đây, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo: Trong thời gian tới các cấp ủy đảng - chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải tập trung chỉ đạo khắc phục hạn hán, ổn định sản xuất, đặc biệt là ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân. UBND tỉnh sẽ có biện pháp hữu hiệu và linh hoạt trong việc trích ngân sách, cho ứng tiền bù thủy lợi phí năm 2014 để bảo đảm công tác chống hạn và sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả.


Bài và ảnh: Viết Ý

Hạn hán ở Trung Bộ kéo dài đến cuối tháng 8
Hạn hán ở Trung Bộ kéo dài đến cuối tháng 8

Do có mưa chuyển mùa nên tình trạng khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Bộ đã được cải thiện. Riêng tại các tỉnh Trung Bộ, hạn hán được dự báo kéo dài đến cuối tháng 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN