Biến động kinh tế tác động đến xuất khẩu cá ngừ

Những biến động kinh tế, lạm phát kéo dài của các thị trường lớn trên thế giới đã tác động đến tình hình tiêu dùng thực phẩm người dân. Gần đây nhất là biến động của ngành ngân hàng Mỹ, sự thay đổi trong quy định phí môi trường cho các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm mặt hàng thủy, hải sản tại châu Âu, những quy định nghiêm ngặt hơn tại thị trường Nhật Bản… Với những biến động này, ngành cá ngừ phải có những bước đi thận trọng trong những tháng cuối năm 2023.

Chú thích ảnh
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thị trường lớn sụt giảm

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 ước đạt gần 445,6 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các mặt hàng cá ngừ xuất khẩu, các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô có giá trị cao vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này giảm 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 204 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu là do giá tăng. Về thị trường, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada… vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU, Mexico, Israel và Thái Lan đang ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường đang tiếp tục giảm. Người Mỹ đang lựa chọn cá ngừ đóng hộp phù hợp với ví tiền trong bối cảnh lạm phát khó khăn. Hiện tại, lượng cá ngừ tồn kho tại Mỹ đã bắt đầu vơi bớt, các nhà nhập khẩu đang xem xét việc tăng nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ tại Nam Mỹ đang thấp hơn tại khu vực châu Á, điều này đang làm gia tăng cạnh tranh tại thị trường này.

Đối với thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng không khả quan. Xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất khối là Nhật Bản và Canada tiếp tục sụt giảm trong tháng 6 và tháng 7/2023. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mexico và Chile lại tăng trưởng cao. Tại thị trường Nhật Bản, sau sự tăng trưởng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam trong quý I/2023, chuyển sang quý II/2023 cho đến nay kim ngạch xuất khẩu cá vẫn tiếp tục giảm.

Tính đến cuối tháng 7/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản ước đạt gần 20 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Thêm vào đó, sự mất giá của đồng Yên đang khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản; trong đó, có cá ngừ bị kìm hãm.

Trong những thị trường lớn, thị trường châu Âu có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Cũng theo bà Nguyễn Hà, đà tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường này bắt đầu từ tháng 5/2023.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu đạt mức tăng trưởng 28% trong tháng 6 và tháng 7/2023, với kim ngạch 12 triệu USD/ tháng. Nhờ vậy, lũy kế 7 tháng năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức tương đương với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý tại khối thị trường này là xuất khẩu sang Hà Lan liên tục tăng trưởng “phi mã” trong 2 tháng gần đây ở mức 3 con số.

Cùng với Hà Lan, xuất khẩu cá ngừ sang Đức cũng vẫn đang duy trì sự tăng trưởng tốt, với mức tăng 30% trong tháng 6 và tháng 7. Bên cạnh đó, chiến sự Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Nhưng ưu đãi về thuế quan đang là lợi thế thúc đẩy các nhà nhập khẩu EU tìm kiếm các đơn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại hạn ngạch nhập khẩu cá ngừ đóng hộp, thịt lưng cá ngừ hấp đông lạnh đang được sử dụng gần hết. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này chờ tăng hạn ngạch để phát triển.

Triển vọng thời điểm cuối năm

Dấu hiệu thị trường dần phục hồi khiến cho ngành thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng thêm sự lạc quan trong xuất khẩu những tháng cuối năm 2023. Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, từ nửa sau năm 2023, các thị trường giảm lượng tồn kho nên các đơn hàng cá ngừ có triển vọng tăng cao.

Thêm vào đó, dịp gần cuối năm cũng là dịp các lễ hội diễn ra nhiều hơn, người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thực phẩm phục vụ cho nhu cầu ăn uống, các nhà hàng tích cực thu mua nguyên liệu để phục vụ khách hàng. Vì vậy, không chỉ riêng các sản phẩm cá ngừ, mà nhiều sản phẩm thủy sản khác cũng được ưu tiên tăng đơn hàng để tích trữ, phục vụ cho các hoạt động vui chơi, ăn uống cuối năm.

Tuy nhiên, triển vọng cho ngành cá ngừ xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2023 là vậy, nhưng hiện nay nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được 25% công suất nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu. Do đó, lựa chọn nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ từ nhiều thị trường khác hiện đang được các doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cùng Bộ Công Thương để mở thêm hạn ngạch cho cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu.

Năm nay, do ảnh hưởng của lạm phát, cộng với lượng tồn kho cao và giá cá ngừ đóng hộp tăng nên các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng tăng cường nhập khẩu từ các nguồn cung được ưu đãi thuế quan, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình giá cá ngừ vằn trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt, cộng với hạn ngạch ưu đãi thuế quan mà châu Âu dành cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sắp được sử dụng hết, thị trường này chỉ tăng nhập khẩu cho đến hạn ngạch cuối cùng.

Về nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, hiện nay cũng đã có quốc gia hướng tới việc nuôi cá ngừ nguyên liệu cung ứng cho chế biến, xuất khẩu, có thể đáp ứng được nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Sakti Wahyu Trenggono, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia, Indonesia đang lên kế hoạch xây dựng trang trại cá ngừ ở các vịnh của nước này để thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản đồng thời giảm nỗ lực đánh bắt. Theo đó, Bộ Thủy sản Indonesia đã tham khảo ý kiến của của các chuyên gia thủy sản quốc tế về việc triển khai nuôi cá ngừ đại dương tại các địa điểm tiềm năng bao gồm Kupang ở tỉnh Đông Nusa Tenggara và Morotai ở tỉnh Maluku.

Vùng biển quần đảo của Indonesia là ngư trường đánh bắt cá ngừ vây dài, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây xanh phương Nam. Các khu vực khác xung quanh 17.000 hòn đảo của đất nước Indonesia là nơi sinh sản quan trọng của loài cá này. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu cung ứng đến các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Saudi Arabia, EU, Australia, Việt Nam, Anh và Philippines. Đây là cơ hội giải bài toán nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Với diễn biến thị trường hiện nay, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có hơn 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu; trong đó, FoodTech, Bidifisco và Yueh Chyang Canned Food là 3 công ty dẫn dầu về xuất khẩu sang khối thị trường này với tỷ trọng chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ.

Hồng Nhung (TTXVN)
Từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE: Điều tiết hợp lý thu mua, xuất khẩu gạo
Từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE: Điều tiết hợp lý thu mua, xuất khẩu gạo

Trong bối cảnh Ấn Độ và một số quốc gia khác dừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam tỏ ra khá thận trọng trong việc thu mua và nhận đơn hàng mới để tránh các rủi ro khó lường trước. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN