Biến động đáng ngại của giá dầu

Giá dầu có thể rơi xuống mức 60 USD/thùng nếu OPEC không nhất trí cắt giảm lượng lớn sản lượng trong cuộc gặp tại Vienna tuần này. Đó là nhận định chung của giới phân tích sau khi giá dầu thô rơi xuống mức thấp kỷ lục 75,80 USD ngày 24/11.

Giá dầu đã giảm xuống dưới mức 80USD/thùng ngày 24/11. Ảnh: Reuters.


Giá dầu Brent biển Bắc đã mất 34% trong 6 tháng qua và đạt ngưỡng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây, dao động quanh mức 76USD/thùng trong tháng 11 vừa qua và đà giảm này dự đoán sẽ còn chưa dừng lại nếu OPEC không cắt giảm ít nhất 1 triệu thùng mỗi ngày.

Giá dầu bắt đầu lao dốc từ mùa hè 2014 do lượng cung dư thừa, một phần vì Mỹ sản xuất số lượng lớn dầu đá phiến và nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh tại châu Âu và châu Á. Do vậy, giới đầu tư tin rằng việc chỉ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày là không đủ mạnh để bình ổn thị trường năng lượng thế giới.

Thậm chí Doug Hepworth, chuyên gia từ công ty Quản lý đầu tư Gresham cho rằng: “Sự cắt giảm đột ngột, tới 2 triệu thùng mỗi ngày, là cần thiết để đưa giá dầu trở lại mức 80 USD”. Hiện nay, giá dầu dưới mức 80 USD sẽ là một cú đánh mạnh vào nền kinh tế các nước như Venezuela, Nga.

Thị trường năng lượng thế giới đang đổ dồn con mắt vào cuộc họp của OPEC vào ngày 27/11 tới tại Vienna, nơi quyết định cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ được đưa ra nhằm ngăn giá dầu tiếp tục lao dốc.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi các nước như Iran, Libya và Venezuela hối thúc các nhà sản xuất dầu mỏ có động thái cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu thì Kuwait cho rằng việc này là không cần thiết. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng chưa đưa ra quan điểm rõ ràng.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia OPEC đạt mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Theo đó, tỷ lệ dầu thô của Mỹ nhập từ OPEC chỉ còn chiếm 40% tổng lượng dầu nhập, tương đương khoảng 2,9 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ hồi tháng 5/1985.

Cuộc họp quan trọng của OPEC vào cuối tuần này sẽ chi phối sự biến động của giá dầu.


“Chúng ta đang ở một thời điểm thay đổi quan trọng của thị trường dầu mỏ, một sự thay đổi chỉ có thể xuất hiện trong 10 hoặc 20 năm”, Hãng Société Générale nhận định. Nhìn lại sự biến động của giá dầu, như đã biết “cú sốc dầu mỏ” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1973 khi các nước Arab cắt giảm sản lượng và áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và một số quốc gia ủng hộ Israel trong cuộc chiến Arab – Israel, đẩy giá dầu lên cao chưa từng thấy.

Kể từ đó, trên thị trường thế giới, giá dầu biến động theo sự thay đổi cung cầu và tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Năm 2008, giá dầu đạt đỉnh, khoảng 147 USD/thùng và giữ mức trên 100 USD trong các năm tiếp theo nhưng chỉ trong vòng vài tháng qua, thế giới đã chứng kiến sự suy giảm liên tục của mặt hàng chiến lược này và tới tháng 11, giá dầu chỉ dao động nhẹ quanh mốc 80USD.
               
Lần này, nhiều khả năng giá dầu sẽ được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài và các nước sản xuất và tiêu thụ dầu chính sẽ phải tái điều chỉnh chính sách kinh tế, chiến lược để theo kịp với những thay đổi then chốt trong bức tranh năng lượng toàn cầu này.  
               
Phản ứng với việc giá dầu rớt mạnh, các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông đã áp dụng nhiều cách khác nhau. Thay vì cắt giảm sản lượng, Saudi Arabia, UAE và Iran đã giảm giá thành sản xuất. UAE mới đây còn cho phép ngừng chính sách giảm giá đối với một số công ty lớn Phương Tây và cân nhắc thay thế họ bằng các đối tác châu Á.

Qatar thì thông báo các kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD vào châu Á với đối tác Citic Group của Trung Quốc. Những phản ứng này không thể xem nhẹ vì như vậy dòng tiền thu được từ dầu mỏ sẽ không còn hướng sang châu Âu – lục địa từ lâu vẫn là nơi đón nhận luồng vốn đầu tư từ các nước vùng Vịnh.
              
Trong khi đó, các nước tiêu thụ dầu mỏ, để giảm việc phụ thuộc vào dầu mỏ, đã sử dụng chiến lược kiềng ba chân: tăng sản lượng dầu khí sản xuất, đa dạng hóa nguồn năng lượng và giảm lượng tiêu thụ (tăng tính hiệu quả sử dụng). Mỹ hiện là quốc gia đi đầu trong công nghệ sản xuất dầu/khí đá phiến, nhưng những kho dầu khí đá phiến tương tự đang được tìm thấy ở nhiều nước châu Âu, Nga, Trung Quốc… hứa hẹn về một cuộc cách mạng về đá phiến trên thế giới.
               
Bên cạnh đó, các công ty dầu mỏ đã áp dụng những kỹ thuật khai thác mới, để vừa tăng sản lượng đồng thời duy trì được nguồn dự trữ, hạn chế tác động tới môi trường. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá ngày việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch đã giảm xuống còn 60% nhờ tiến bộ trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng và sự đa dạng hóa các nguồn năng lượng sang địa nhiệt, năng lượng mặt trời, gió, nước, thủy triều, sinh học…
              
Dầu mỏ còn hơn là một thứ nhiên liệu đơn thuần. Kể từ những năm 1940, mối quan hệ giữa Phương Tây, nhất là Mỹ với Trung Đông được xây dựng dựa trên chính sách đảm bảo an ninh năng lượng. Nói cách khác, các nước Trung Đông, đi đầu là Saudi Arabia, sẽ đảm bảo dòng chảy đều đặn của dầu mỏ tới châu Âu và Mỹ ở mức giá “hợp lý”, đổi lại, các cường quốc này sẽ là cái ô an ninh cho Trung Đông.
               
Trong những năm gần đây, nhiều thành tố trong chính sách này đã có sự thay đổi căn bản. Mỹ ít phụ thuộc hơn từ nguồn cung năng lượng bên ngoài, trong khi đó, xu hướng là ngược lại ở các nền kinh tế lớn châu Á (như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong 20 năm qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Đông và Nam Á đã tăng nhanh và mạnh hơn so với quan hệ Trung Đông-Phương Tây.

Xu hướng đó của dòng chảy thương mại và đầu tư sẽ dẫn tới việc sớm hay muộn các cường quốc châu Á (nhất là Trung Quốc) sẽ dần thay thế Phương Tây đảm đương trách nhiệm bảo vệ các tuyến hàng hải và vận chuyển dầu khí từ vùng Vịnh tới Nam Á. Do vậy, mối quan hệ khăng khít về kinh tế và chiến lược giữa cường quốc Phương Tây và các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông sẽ thay đổi ra sao trước những biến động trên thị trường năng lượng vẫn là một câu hỏi.


Thái Nguyễn
Giá dầu mỏ tiếp tục giảm trước thềm họp OPEC
Giá dầu mỏ tiếp tục giảm trước thềm họp OPEC

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh xuất hiện những hoài nghi cho rằng OPEC có thể đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác nhằm tác động tới giá "vàng đen", đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN