Bến Tre: Đề xuất ngân hàng khoanh nợ cho người chăn nuôi

Trong buổi gặp gỡ, đối thoại của UBND tỉnh Bến Tre với đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn diễn ra ngày 11/5, vấn đề “giải cứu” người chăn nuôi lợn được quan tâm đặc biệt.

Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 600.000 con lợn thịt. Đầu tháng 5/2017, giá lợn hơi nhích lên khoảng 2-3 ngày với giá bán 25.000 - 26.000/kg nhưng nay lại sụt xuống còn 21.000 - 23.000 đồng/kg.


Ông Bùi Văn Vị, tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm cho biết, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Lương Phú được thành lập 2011 với 35 thành viên làm ăn rất hiệu quả. Từ năm 2011 đến tháng 10/2016, giá bán ổn định và tốt.


Tuy nhiên, từ tháng 11/2016 đến nay, lợn hơi rớt giá thê thảm. Bán một con lợn lỗ 1,5 triệu đồng. Giờ có ai đem cho lợn con cũng chả ai dám nuôi vì lỗ, mà chủ yếu là lỗ tiền thức ăn.


Tổ chăn nuôi lợn của xã Lương Phú lỗ rất nặng và mong nhận được hỗ trợ để người dân có thể vượt qua đợt khó khăn này và duy trì nghề chăn nuôi - ông Vị bày tỏ.


Ông Nguyễn Văn Tư - Tổ hợp tác chăn nuôi lợn Phước Sang, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam đề xuất, các ngân hàng ưu đãi lãi suất và khoanh nợ để nông dân kéo dài việc chăn nuôi.


Trước những đề xuất này, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành cho biết, tình hình khó khăn của người dân cũng khiến ngân hàng chung lo lắng. Đây là rủi ro thị trường, giá bán thấp, hiệu quả kém, người nuôi gặp khó khăn thì ngân hàng thu hồi nợ cũng khó.


Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.


Theo đó, các tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng tài chính và quy định pháp luật hiện hành để thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể là: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm cả miễn, giảm lãi suất vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi chăn nuôi… Các thành viên tổ hợp tác, người nuôi lợn có thể đến ngân hàng nêu lên khó khăn để ngân hàng tư vấn, hỗ trợ.


Tỉnh Bến Tre cũng đang xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến thịt lợn trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh cũng đã làm việc với Tập đoàn Masan về đầu tư trang trại chăn nuôi lợn và thức ăn gia súc.


Bến Tre xác định, việc quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là con đường duy nhất để xây dựng niềm tin và phát triển thị trường cho thịt lợn.


Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trước mắt tỉnh tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt lợn; vận động người chăn nuôi phát triển quy mô vừa và lớn; kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.


Tính đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 107 cơ sở chăn nuôi lợn, 10 thương lái và 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn.


Việc đẩy mạnh tiến độ tham gia đề án trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người chăn nuôi giải quyết đầu ra sản phẩm ổn định trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh.


Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Giải pháp giúp người chăn nuôi lợn vượt khó khăn
Giải pháp giúp người chăn nuôi lợn vượt khó khăn

Tổng đàn lợn của tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 700.000 con, trong đó, lợn nái khoảng 400.000 con, khoảng 75.000 con lợn thịt vào giai đoạn xuất chuồng. Hiện tiến độ thu mua xuất chuồng của thương lái chững lại. Người chăn nuôi khó khăn hơn khi phải chi phí cho đàn lợn đến ngày xuất chuồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN