Bảy tháng, bội chi ngân sách xấp xỉ 44,5% dự toán năm

Ngày 5/8, Bộ Tài chính thông báo, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7 ước đạt hơn 92.700 tỷ đồng; luỹ kế 7 tháng đạt hơn 544.000 tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014.


Hoạt động nghiệp vụ kế toán tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Trong số này, thu nội địa 7 tháng đạt hơn 404.000 tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,8%), đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. Theo Bộ Tài chính, điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã góp phần gia tăng nguồn thu cho NSNN.


Nguồn thu từ dầu thô trong 7 tháng ước đạt 42.270 tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 9,69 triệu tấn, bằng 65,8% kế hoạch năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ; song do giá dầu giảm mạnh (bình quân khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán), nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm trước.


Nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng ước đạt 147.700 tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.


Về chi NSNN, tổng chi trong 7 tháng đạt 645.300 tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2014. Như vậy, bội chi NSNN 7 tháng ước 100.680 tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán năm.


Để bù đắp cho bội chi NSNN và đầu tư phát triển, tính đến ngày 25/7/2015, đã thực hiện phát hành trên 114.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng khoảng 41,6% nhiệm vụ huy động vốn trong nước cả năm. Bộ Tài chính đánh giá, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 7/2015 có khá hơn so với tháng trước, song vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ trúng thầu bình quân phiên đạt 63,5%, lãi suất trái phiếu tăng từ 1 - 10 điểm cơ bản đối với các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm.


Theo nhận định từ Bộ Tài chính, dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng.


Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia tăng đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch được giao.


Hoàng Tùng (TTXVN)
Huy động vốn ngoài ngân sách cho giao thông
Huy động vốn ngoài ngân sách cho giao thông

Từ nay đến năm 2020, nhu cầu nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó, dự kiến huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách 347.800 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN