Bảo vệ sản phẩm truyền thống Huế

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có một số mặt hàng truyền thống rơi vào tình trạng "thật, giả" lẫn lộn, gây thiệt hại cho người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Đầu tiên phải kể đến sản phẩm dầu tràm, một trong những đặc sản Huế được buôn bán nhiều nhất tại chợ Đông Ba.

Chị T. một đại lý buôn bán dầu tràm tại lăng Tự Đức cho biết: Cùng nhãn hiệu dầu tràm Huế loại 100ml có giá 80.000 đồng - 100.000 đồng, nhưng dầu tràm không rõ nguồn gốc chỉ bán với giá 40.000 đồng.

Trước đây, khách du lịch mỗi lần ghé mua đều khen ngợi dầu tràm Huế thơm, tác dụng tốt. Sau khi xuất hiện dầu tràm không rõ nguồn gốc, có ngày chị không bán được chai nào nên rất buồn và lo lắng sẽ đánh mất thương hiệu dầu tràm Huế.

Tinh dầu tràm là một trong các sản phẩm du lịch đặc thù của Thừa Thiên - Huế.


Nói đến dầu tràm, ở Huế người ta nghĩ ngay đến dầu tràm Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), đây là nơi nổi tiếng về sản xuất loại sản phẩm này.

Dầu tràm Lộc Thủy là sản phẩm của Thừa Thiên - Huế đã được Hội nông dân Việt Nam công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 với tiêu chí đánh giá là sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất. Hiện nay, toàn xã Lộc Thủy có 37 hộ tham gia với hơn 40 lò tinh luyện dầu; có khoảng hơn 100 người thường xuyên tham gia nghề dầu tràm từ khâu hái nhặt nguyên liệu, sản xuất chế biến, kinh doanh dầu tràm.

Thông thường mùa hè là lúc cao điểm chưng cất, tinh luyện dầu tràm, bởi nguồn nguyên liệu mùa này dồi dào hơn, chất lượng tinh dầu trong cây tràm cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Các hộ ở đây sử dụng 100% nguyên liệu cây tràm, không pha trộn loại nguyên liệu khác để chế biến tinh dầu tràm. Giá một lít tinh dầu tràm nguyên chất hiện nay khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí thu mua nguyên liệu, vật liệu, chai lọ đựng dầu, bao bì, nhãn mác… thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 7,5 triệu đồng. Tuy vậy, nghề tinh luyện dầu tràm chỉ tập trung vào mùa tạnh nắng, mùa mưa khó khăn hơn vì ít nguyên liệu.

Trước tình trạng buôn bán dầu tràm không rõ nguồn gốc, gây thiệt hại đến người sản xuất và tiêu dùng, Công an huyện Phú Lộc đã kiểm tra và thu giữ 1.700 chai dầu tràm giả ở một cơ sở chế biến dầu tràm ở xã Lộc Thủy. Chủ cơ sở này khai nhận, số dầu tràm trên được mua lại của người bán không rõ nguồn gốc rồi đưa về sang chiết ra chai nhỏ để dán nhãn bán cho khách.

Tương tự, tôm chua Huế là sản phẩm chế biến thủy sản lên men truyền thống và là sản phẩm đặc trưng tại Huế, được sử dụng như món chấm ăn kèm với thịt ba chỉ, giá chua, vả, rau thơm...

Từ miền Trung trở vào, một số địa phương cũng có tôm chua nhưng tôm chua Huế là đặc biệt và nổi tiếng hơn cả nhờ hương vị đặc trưng, thơm ngon được chế biến từ tôm nước lợ đánh bắt từ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hiệp hội Tôm chua Huế đã ban hành quy trình công nghệ chế biến tôm chua Huế với các yêu cầu chặt chẽ về cảm quan, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, điều kiện bao gói bảo quản… để cung cấp sản phẩm tôm chua Huế đạt chất lượng đồng nhất, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Cụ thể, Hiệp hội Tôm chua Huế đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tôm chua Huế cho 19 hội viên tại thành phố Huế, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà. Và chỉ những cơ sở này mới có quyền gắn, dán, sử dụng nhãn hiệu tôm chua Huế trên bao bì thương phẩm của cơ sở và cam kết về chất lượng do cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, hiện tôm chua Huế được sản xuất và dán nhãn mác tràn lan, bất chấp quyền lợi của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Vậy là, trên thị trường Huế hiện nay, vẫn tồn tại và lưu thông một số sản phẩm tôm chua không đảm bảo chất lượng, hàm lượng tôm trong thành phẩm thấp, sản phẩm quá mặn hoặc quá chua, đặc biệt là một số cơ sở đã lạm dụng phụ gia thực phẩm như phẩm màu và chất bảo quản, vượt giới hạn cho phép… Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có các biện pháp quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể và kiểm soát sản phẩm lưu thông trên thị trường tốt hơn, không chỉ đối với 2 loại sản phẩm vừa nêu, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm nghề truyền thống Huế...
Quốc Việt
Bảo tồn, phát huy  nghề truyền thống ở Tây Bắc
Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống ở Tây Bắc

Được hình thành và tồn tại trong mỗi dân tộc vùng Tây Bắc, nghề thủ công truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá của con người nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN