Bảo tồn nhãn lồng Hưng Yên


Tỉnh Hưng Yên bắt đầu triển khai dự án "Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012 - 2015". Theo đó, sẽ khai thác tiềm năng và những giá trị vốn có của cây nhãn "tiến vua", mở những đột phá mới trong việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên đất Hưng Yên.

Dự án được thực hiện tại các vùng trọng điểm nhãn gồm các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Với mục tiêu nhằm bảo tồn các giống nhãn đặc sản có chất lượng quả ngon phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm vùng sản xuất chuyên canh nhãn có quy mô tập trung, áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao gồm: chọn giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch, các hoạt động thương mại sản phẩm. Dự án được triển khai đến hết năm 2015, với kinh phí thực hiện là hơn 32 tỷ đồng.


Nhãn là một trong những cây trồng đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Nguồn: baohungyen.vn


Nội dung của dự án tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng phát triển của cây nhãn, bảo tồn giống nhãn và quản lý cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn, xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản nhãn... Trên cơ sở đó, đánh giá hiện trạng sản xuất nhãn Hưng Yên; phân lập những cây, giống có nguồn gen chất lượng tốt để bảo tồn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để duy trì, phát triển những nguồn gen đã tuyển chọn. Đồng thời, xây dựng và quản lý hệ thống bảo tồn giống nhãn, hệ thống cây đầu dòng, vườn cây mẹ đầu dòng bằng cách cấp mã số quản lý; hình thành các mô hình ứng dụng những tiến bộ KHKT cải tạo vườn tạp, tăng năng suất, chất lượng, hình thức, mẫu mã quả.


Dự án được thực hiện và mở rộng trong sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế của việc trồng nhãn theo hướng sản xuất hàng hoá, ổn định thu nhập và đời sống người lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của người trồng nhãn, giải quyết việc làm cho nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận thị trường, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các hội ngành nghề. Khi công tác bảo tồn, mở rộng diện tích được quan tâm cùng với các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong thâm canh nhãn sẽ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên di truyền thực vật quan trọng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, tạo điều kiện để du lịch miệt vườn phát triển.

TTXVN/ Tin Tức
Đặc sản hành chăm Lạc Sơn tìm hướng phát triển

Lạc Sơn là huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Hoà Bình, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn và cây mía

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN