Bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng có bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền?

Từ tháng 8/2017, người gửi tiền ở một tổ chức tín dụng bị phá sản sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu người gửi tiền có thiệt thòi hay không với mức bảo hiểm này?

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư – Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia về kinh tế và tài chính:

Thưa ông, việc nâng hạn mức tối đa bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng đã hợp lý hay chưa?


Hiện nay, ngay cả các nước trên thế giới cũng không đảm bảo 100% là có bảo vệ được tối đa cho người gửi tiền hay không. Thêm vào đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi theo thông lệ quốc tế được áp dụng gấp 3 lần thu nhập trung bình hàng năm của người dân.

Việc áp dụng bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp kiểm soát hệ thống ngân hàng hoạt động tốt hơn.

Tại Việt Nam, trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đang trên lộ trình tiến tới thông lệ quốc tế. Có thể thấy, từ hạn mức bảo hiểm tiền gửi 50 triệu, sắp tới sẽ được nâng lên 75 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân trên đầu người vào cuối năm 2016 là 45,7 triệu/năm. Nếu nâng mức gấp 3 so với thu nhập bình quân người dân sẽ tương đương 150 triệu đồng. Hiện nay, hạn mức 75 triệu đồng thực tế là vẫn chưa phù hợp, nhưng sau này sẽ dần nâng lên theo điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.


Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, giả sử họ gửi trong tài khoản 1 tỷ đồng nhưng nếu ngân hàng phá sản chỉ nhận được 75 triệu đồng như vậy không thể hợp lý?


Thật ra, bảo hiểm tiền gửi này chỉ là một phần nhỏ trong việc bảo vệ người dân khi ngân hàng phá sản. Vì với cơ chế của NHNN hiện nay, ngoài bảo hiểm tiền gửi cho người dân, NHNN nước áp dụng cơ chế thực thiện tái cơ cấu ngân hàng, sát nhập và mua bán ngân hàng (M&A) và mua lại ngân hàng giá 0 đồng. Chính vì thế, khó có thể để ngân hàng phá sản trong trong thời điểm này đến nhiều năm sau.


Mặc dù không thể phủ nhận hoạt động của các tổ chức tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng luôn có những rủi ro, trong đó mất khả năng thanh toán là rủi ro lớn nhất. Hậu quả có thể dẫn tới là hệ thống tài chính quốc gia bị tê liệt; xã hội bị bất ổn và niềm tin của các nhà đầu tư sẽ bị giảm sút. Vì thế, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập với kỳ vọng rất lớn là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.


Do đó, bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam được xem là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giám sát an toàn tài chính, đưa ra những cảnh báo sớm nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm tính lành mạnh của từng ngân hàng. Ngoài ra, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn có chức năng giám sát an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, người gửi tiền không chỉ được bảo vệ một cách trực tiếp khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp sự cố, bị giải thể hay phá sản mà còn được bảo vệ gián tiếp và toàn diện thông qua các nghiệp vụ giám sát của bảo hiểm tiền gửi trong điều kiện bình thường.


Theo ông, trong trường hợp xấu nhất nếu ngân hàng phá sản, thứ tự ưu tiên được bảo hiểm tiền gửi như thế nào?


Trong trường hợp các ngân hàng phá sản theo luật phá sản của Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi cũng được xếp trong thứ hạng phân chia tài sản còn lại của ngân hàng. Ví dụ, nghĩa vụ đầu tiên ngân hàng phải trả là thuế, hai là tiền lương của người lao động, ba là tiền gửi của khách hàng, bao gồm cả ngân hàng khác, doanh nghiệp, người dân cá nhân.


Trở ngược lại với vấn đề liệu có phù hợp, thì người dân vẫn là đối tượng bị thiệt thòi nhất khi ngân hàng bị phá sản?


Hiện nay trên thế giới có 3 mô hình bảo hiểm tiền gửi cơ bản: Mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Căn cứ Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012, có thể xác định mô hình bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam là mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng.

Cần xem tiền gửi bằng ngoại tệ hay các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ được bảo hiểm và cần được quy định trong luật.

Thực tế quốc tế chứng minh rằng, không có một mô hình bảo hiểm tiền gửi nào có thể hoạt động hiệu quả ở mọi quốc gia. Mô hình bảo hiểm tiền gửi tại một quốc gia sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nó phù hợp với nền tảng kinh tế, xã hội của chính quốc gia đó.


Tuy nhiên, với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, trách nhiệm của thị trường tài chính đang “đè” quá nặng lên vai của hệ thống ngân hàng, như trách nhiệm trung chuyển vốn ngắn, trung và dài hạn, giám sát hệ thống ngân hàng… Do đó, việc chuyển trong luật bảo hiểm tiền gửi từ mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng qua mô hình giảm thiểu rủi ro là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường việc giám sát và cảnh bảo các rủi ro đối với các ngân hàng sau khi tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A).


Tại vì các ngân hàng tiến hành M&A thông thường là sự kết hợp giữa 2 hoặc 3 ngân hàng yếu với nhau hoặc là sự kết hợp giữa 1 ngân hàng mạnh và 1 ngân hàng yếu. Từ đó, việc giám sát và cảnh báo sớm rủi ro sẽ giúp cho quyền lợi của khách hàng được bảo vệ hiệu quả hơn là so với việc hệ thống bảo hiểm tiền gửi xử lý đền bù cho khách hàng sau khi các ngân hàng đã ngưng hoạt động.


Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật bảo hiểm tiền gửi 2012 và khoản 13 Điều 4 Luật các TCTD 2010, tiền gửi bằng ngoại tệ hay các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ thì không được bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem là loại tiền gửi được bảo hiểm. Người gửi tiền được phép gửi và rút đồng ngoại tệ một cách hợp pháp, nhưng số tiền bảo hiểm lại không được tính cho đồng ngoại tệ. Đó cũng là một điều cần được xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, ít ra là cần quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam để bảo hiểm.


Vì vậy, tôi cũng có kiến nghị NHNN nên xem tiền gửi bằng ngoại tệ hay các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ cần được bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem là loại tiền gửi được bảo hiểm và cần được quy định trong luật.


Xin cám ơn ông!


Hải Yên/Báo Tin Tức
Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về mô hình hoạt động của tổ chức và định hướng sử dụng công cụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN