Báo động tình trạng nhận khoán phá rừng lấy đất nuôi tôm


Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 5.000 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ ven biển Đông, chạy từ thành phố Bạc Liêu đến huyện Đông Hải. 2/3 số rừng được giao khoán cho người dân chăm sóc, trồng rừng và nuôi tôm. Tuy nhiên, do việc giao khoán ít hiệu quả so với nuôi tôm nên đã xảy ra tình trạng người nhận khoán đất rừng chặt phá rừng để lấy đất nuôi tôm và thực trạng này đang báo động.


Mục đích chính của việc giao khoán đất rừng là phát triển và bảo vệ rừng, nhưng nhiều năm qua, việc phát triển và bảo vệ rừng dường như vẫn là thứ yếu. Bằng chứng là nạn ứ nước nuôi tôm gây chết rừng vẫn cứ xảy ra và mô hình trồng rừng - nuôi tôm được xem là bền vững đang bị thay thế bằng mô hình nuôi tôm công nghiệp, quảng canh và cả việc nuôi tôm thẻ chân trắng.

Mỗi năm Nhà nước chỉ hỗ trợ công chăm sóc, trồng mới rừng khoảng 2 triệu đồng/ha, nếu thực hiện mô hình trồng rừng - nuôi tôm thì diện tích mặt nước nuôi tôm giảm, dẫn đến sản lượng tôm giảm khoảng 30%, tương ứng khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha so với mô hình nuôi tôm quảng canh không trồng rừng. Chính sự chênh lệch về thu nhập mà nhiều hộ nhận khoán rừng ven biển không muốn phát triển mô hình trồng rừng - nuôi tôm. Có nơi, người dân bỏ hẳn mô hình trồng rừng - nuôi tôm mà thay bằng mô hình nuôi tôm quảng canh, nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng và còn chặt phá rừng để có diện tích mặt nước nuôi tôm.

Bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên nếu không làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, thì những mô hình kinh tế đang được nông dân đầu tư hiện nay cũng khó tránh khỏi nguy cơ mất trắng vì triều cường và xâm nhập mặn trong tương lai. Do vậy, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 có mục tiêu phát triển mô hình trồng rừng - nuôi tôm. Trong đó, diện tích mặt nước nuôi trồng chiếm 70%, còn 30% diện tích phải trồng rừng bởi phát triển rừng không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, mà còn là sự phát triển bền vững do Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ xâm nhập mặn và nước biển dâng.

Một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp quan tâm là đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền về tầm quan quan trọng đặc biệt của rừng đối với sự phát triển bền vững. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp như tăng mức hỗ trợ cho việc trồng và chăm sóc rừng, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ mô hình trồng rừng - nuôi tôm ; gắn kết doanh nghiệp với người nhận giao khoán đất rừng để khai thác có hiệu quả mô hình trồng rừng - nuôi tôm gắn với phát triển du lịch sinh thái rừng… Làm được những việc này, giá trị mang lại từ rừng sẽ tăng thêm rất nhiều từ các dịch vụ ăn theo, người giữ rừng sẽ an tâm làm tốt công tác phát triển và bảo vệ rừng, nhằm chủ động phòng chống nước biển dâng, xâm nhập mặn và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.



Cao Thăng

Xử nghiêm vụ phá rừng ngập mặn ở Tiên Lãng
Xử nghiêm vụ phá rừng ngập mặn ở Tiên Lãng

Về vụ hủy hoại rừng phòng hộ ven biển lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng đang khẩn trương đưa vụ việc ra xử lý theo đúng pháp luật và khắc phục diện tích rừng đã bị phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN