Bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu không dưới 13%

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên (ảnh) đã trao đổi với phóng viên TTXVN về tình hình xuất nhập khẩu trong quý I năm nay.

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về bức tranh xuất nhập khẩu những tháng đầu năm nay của Việt Nam?

Trong những tháng đầu năm 2012, tăng trưởng xuất nhập khẩu chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ trọng của nhóm FDI trong xuất khẩu và nhập khẩu những tháng đầu năm nay cao lên rõ rệt, hơn tỷ trọng của nhóm các doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý là trong ba tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước không tăng trưởng về xuất khẩu, lại bị giảm nhập khẩu trên 10%, điều này chứng tỏ doanh nghiệp trong nước bị tác động mạnh hơn từ những vấn đề kinh tế vĩ mô, nhất là vấn đề tiếp cận vốn vay tín dụng, lãi suất cao, chiến lược thị trường chưa được bền vững. Trong khi đó, năm nay, các doanh nghiệp FDI, trong đó đa phần là các tập đoàn đa quốc gia chủ động được nguồn nguyên liệu, chủ động được sản xuất, chủ động được nguồn vốn, có lợi thế lãi suất thấp và cơ bản là có được thị trường tiêu thụ ổn định. Còn các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp ở ngành hàng nông, lâm, thủy sản, về cơ bản giữ được thị phần như năm ngoái nhưng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm những mặt hàng này suy giảm đến gần 7% (gạo, cà phê, riêng cao su tăng về lượng nhưng giảm về giá).

Như ông nói, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước hạn chế về tăng trưởng xuất khẩu. Vậy đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sản xuất đình trệ và lượng hàng tồn kho lớn không thưa ông?

Dây chuyền may sản phẩm xuất khẩu của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại sản phẩm da LADODA. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 cũng thể hiện mối tương quan của thị trường với quan hệ cung cầu. Tồn kho của doanh nghiệp cao, sức tiêu thụ chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng cũng như vốn của nhiều doanh nghiệp hạn chế. Các doanh nghiệp còn chịu tác động từ thị trường ngoài nước. Khủng hoảng tài chính, nhất là khủng hoảng nợ công ở thị trường châu Âu, đã làm hạn chế sức mua và khả năng thanh toán không chỉ của doanh nghiệp tại thị trường này mà còn tạo ảnh hưởng dây chuyền đến các thị trường khác nữa. Bởi thế, tồn kho của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông lâm thủy sản, chịu hệ lụy từ tác động thị trường khu vực và thị trường thế giới.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm, mỗi tháng chúng ta phải đạt được hơn 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Vậy Bộ Công Thương có những biện pháp gì để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thưa ông?

Bộ Công Thương phải phấn đấu cùng với các bộ ngành thực hiện nghị quyết 01 của Chính phủ cùng với địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tìm mọi biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Biện pháp đầu tiên là theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt việc mua tạm trữ hàng hóa để giữ giá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng. .. góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời phải chủ động vùng nguyên liệu, đảm bảo đầu vào không bị đội giá lên quá cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Và khâu quan trọng nữa là đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước, công tác xúc tiến thương mại, nhất là việc tận dụng các thị trường truyền thống cũng như khai thác thị trường mới, phương pháp là với từng ngành hàng phải có cách tiếp cận riêng. Chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo xuất khẩu năm 2012 đạt mức tăng trưởng không dưới 13%.

Xin cảm ơn ông!

Hằng Trần (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN