Bán hàng trên Facebook phần lớn là quảng cáo thương hiệu

Sau khi báo Tin Tức đăng bài về “Bàn cách đánh thuế bán hàng trên Facebok” và "Sinh viên 'đau đầu' về thông tin bán hàng trên Facebook phải nộp thuế", nhiều bạn đọc phản ánh cho rằng, phần lớn người bán hàng online trên Facebook là quảng cáo thương hiệu là chính vì thực tế, họ đã có cửa hàng bên ngoài. Nếu đánh thuế chẳng khác nào thuế chồng thuế.

Dạo quanh các cửa hàng online trên Facebook cho thấy, hầu hết những người rao bán hàng đều ghi rõ địa chỉ cửa hàng trực tiếp của mình. Theo các chủ cửa hàng này, Facebook là kênh quảng bá thông tin hiệu quả nhất nhờ có sự tương tác với xã hội rất lớn. Vì thế, Facebook phần lớn chỉ là phương tiện để quảng cáo, giúp các cửa hàng mở rộng thêm khách hàng của mình một cách nhanh chóng mà không tốn thêm tiền quảng cáo bằng các hình thức truyền thống.

Chị Đỗ Vy, một cửa hàng “siêu thị hàng ngoại” online trên Facebook, cho biết: “Khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ ở quận Phú Nhuận nhưng lượng khách hàng biết đến cửa hàng không lớn. Từ khi mình đưa thông tin cửa hàng trên Facebook lại được biết đến nhiều hơn, tương tác với khách hàng cũng thuận tiện hơn, nhờ vậy lượng hàng mình bán được cũng tăng lên gấp nhiều lần”.

Phần lớn các cửa hàng online trên mạng xã hội đều đã có cửa hàng offline bên ngoài.

Trường hợp của chị Đỗ Vy không phải là số ít, có thể nói chiếm đến hơn 70% các cửa hàng đang bán online trên Facebook. Ngay cả các nhãn hàng nổi tiếng hiện nay cũng đang sử dụng Facebook để quảng bá thương hiệu của mình, mặc dù ai cũng “quen mặt” và sử dụng ít nhất một lần trong đời, điển hình như mặt hàng xe, sữa, nước xả, điện thoại, thời trang, mỹ phẩm…; hay như các cửa hàng hoa, cửa hàng lắp đặt, xây dựng trang trí nội thất, nhà cửa, rau sạch… Do đó, nếu đánh thuế thì chẳng nào thuế chồng thuế.

Còn với việc bán hàng online mà không có cửa hàng “offline”, việc xác định thu nhập để đánh thuế cũng không phải chuyện đơn giản. Theo chị Minh Trang, một cửa hàng thời trang online trên Facebook chia sẻ: “Để bán được hàng trên mạng xã hội mà không cần một cửa hàng bên ngoài, thật sự không phải là dễ dàng gì. Bởi tâm lí khách hàng vẫn là muốn sờ hàng thật trước khi bỏ tiền ra mua hàng, trong khi đó khách hàng chưa biết mình là ai, hàng có chất lượng hay không. Vì thế, để tạo được tin của khách hàng khi mua hàng trên mạng, thật sự tốn rất nhiều công sức để quảng cáo cũng như thời gian mang hàng đến tận khách hàng, có khi khách không thích lại bị trả hàng về… Theo đó, lợi nhuận việc bán hàng trên mạng xã hội cũng thất thường và không ổn định”.


Vì thế, để tránh “chôn” vốn và hàng hóa, nhiều chủ cửa hàng trên mạng xã hội đều cũng chỉ mượn hình ảnh của các cửa hàng chuyên bán sỉ bên ngoài để đưa lên mạng nhằm “câu” khách, nếu khách hàng mua thì họ mới đặt hàng ở các cửa hàng đó về để bán. Chính vì vậy, việc áp dụng đánh thuế trên mạng xã hội thật sự khó quản lý và thậm chí không hợp lý.

Phần lớn các cửa hàng quảng cáo thương hiệu trên mạng xã hội là chính. Nếu đánh thuế, nên đánh các doanh nghiệp thu tiền quảng cáo của những người chạy quảng cáo trên Facebook và Zalo.

Nguyên nhân, chưa có cơ quan nào quản lý về việc bán hàng trên mạng xã hội như các trang thương mại điện tử (TMĐT) thì khó có thể quản lý được việc doanh thu của người bán hàng. Thậm chí, trách nhiệm người bán hàng trên mạng như thế nào, ai kiểm chứng là hàng giả, hàng nhái, hàng thật để từ đó có thể bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, muốn tính đến việc đánh thuế trên Facebook cần phải tính đến về việc quản lý việc bán hàng trên Facebook trước, giống như quản lý bán hàng trên các trang TMĐT.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ, Luật sư (TS.LS) Bùi Quang Tín, phải mất nhiều năm chưa chắc các cơ quan chức năng có thể làm được điều này. Bởi để đánh thuế được người bán hàng trên Facebook thì những thương nhân, tổ chức nước ngoài, các chủ trang mạng xã hội nước ngoài phải có sự hiện diện tại Việt Nam, như việc có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam (đuôi .vn) thì mới thuộc đối tượng quản lý của các văn bản trên. Do đó, để thu được thuế từ những người bán hàng trên Facebook thì phía Việt Nam phải làm việc với bên Facebook để họ thực hiện sự hiện diện hợp pháp tại Việt Nam theo các hình thức trên.


Thế nhưng, ngay cả mạng xã hội Zalo, mạng xã hội Việt Nam với 70 triệu người dùng hiện nay, việc rao bán hàng trên Zalo vẫn chưa được quản lý bởi các cơ quan chức năng có liên quan. Trong khi đó, thời gian qua mạng xã hội Zalo đã và đang liên tục nâng cao giao diện để người dùng có thể tương tác xã hội dễ dàng hơn, như chia sẻ hình ảnh, video hiển thị trong 24h, tin nhắn ảnh tự huỷ, chụp ảnh, quay video clip đính kèm hiệu ứng, phát trực tiếp video trong nhóm…


Đặc biệt, bản cập nhật mới của Zalo đã có thêm tính năng Shop, hỗ trợ việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp trên nền tảng này. Cụ thể, người bán có thể sử dụng Zalo Shop để trưng bày sản phẩm kèm theo mức giá và sắp xếp hàng hóa theo danh mục tùy ý, thậm chí thiết lập các chương trình khuyến mãi. Về phía người mua, nếu quan tâm đến sản phẩm bất kì, họ có thể dễ dàng hỏi thông tin về sản phẩm đó thông qua chức năng chat được tích hợp sẵn.

Hiện nay mạng xã hội Zalo có pháp nhân tại Việt Nam, nhưng việc thu thuế người bán hàng trên Zalo có thực hiện được không nếu không có quy định rõ ràng như quy định các trang TMĐT

Theo đại diện Zalo, việc nâng cấp này không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc mà còn tạo cho người dùng thấy nhiều dịch vụ tiện ích cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như mua sắm, đi lại, ăn uống, sức khoẻ, điện nước trên nền tảng này. Gần đây nhất, hàng chục ngàn bà nội trợ đã được hưởng lợi từ chương trình “Tết Việt, nhận quà khủng” do siêu thị Co.opmart triển khai trên Zalo.

Ngoài ra, Zalo hiện được ứng dụng trong hoạt động của nhiều cơ quan nhà nước và đang phát huy hiệu quả trong việc tương tác với người dân. Tiếp nối thành công của Tổng công ty Điện lực TP.HCM với dịch vụ tra cứu và thanh toán tiền điện, Bộ Y Tế với sổ tiêm chủng và cung cấp thông tin cải thiện sức khoẻ, Tổng đài hành chính công Đà Nẵng mở rộng việc sử dụng Zalo sang tra cứu vệ sinh an toàn thực phẩm, hay Đồng Nai áp dụng Zalo để phục vụ cho công tác cải cách quản lý thủ tục hành chính của tỉnh, bắt đầu từ cuối năm 2016.


Điều này cho thấy, việc các doanh nghiệp hay cơ quan, đơn vị sử dụng mạng xã hội Facebook hay Zalo chỉ là hình thức quảng cáo thương hiệu là chính. Nếu có đánh thuế, Cục thuế nên tính đến việc đánh thuế từ Facebook và Zalo, người trực tiếp thu tiền khách hàng từ quảng cáo. Tuy nhiên, việc đánh thuế xuyên biên giới hiện nay pháp luật chưa có quy định nào, nhưng với doanh nghiệp Việt và có pháp nhân tại Việt Nam, điều này có thể thực hiện được.

Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN