Bàn cơ chế nhượng quyền khai thác sân bay

Ngày 8/4, tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) phối hợp với Báo Lao động đã tổ chức hội thảo "Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam" để làm rõ chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, thị trường hàng không Việt Nam hiện luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001 - 2014 là 14,5% về hành khách và 15,3% về hàng hóa. Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific Airlines (BL), VietJet Air (VJ) và VASCO, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa. Theo kế hoạch, đến năm 2020 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẳng định: Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền khai thác các cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GTVT sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền.

Tiến Hiếu

Không sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất dịp 30/4 -1/5
Không sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất dịp 30/4 -1/5

Cục Hàng không Việt Nam sẽ không sửa chữa đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN