Bạc Liêu: Thả trên 6 triệu tôm giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Ngày 26/3, tại cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức thả tôm giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu vận chuyển tôm giống ra biển để thực hiện thả tôm giống. 

Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4/1959 – 1/4/2024. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cùng tham gia thả tôm giống.

Từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ,  trong đợt thả giống lần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thả trên 6 triệu con tôm giống vào môi trường thiên nhiên. Cùng với hoạt động thả tôm giống về môi trường thiên nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái ngày càng được nâng lên. Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của công đồng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đang từng bước được kiểm soát hiệu quả.

Để góp phần phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh hàng năm, nhân Ngày truyền thống ngành thuỷ sản (01/4) và Ngày Môi trường thế giới (05/6), ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đều tổ chức thả tôm giống, cá giống… về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; thông qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt việc quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng các ngư cụ khai thác, xung điện bắt một cách huỷ diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện thả tôm giống xuống biển. 

Thống kê trong 5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã thả gần 40 triệu tôm sú giống, 500.000 cá giống và gần 5 tấn cá thương phẩm về mô trường tự nhiên. Riêng năm 2023, các ngành chức năng thả về biển trên 10 triệu tôm sú giống; cùng với đó, thả ra các thủy vực tự nhiên ở vùng nội đồng 2 tấn cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Để góp phần nâng cao hơn nữa ý thức của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp phối hợp với ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua các lớp tập huấn Luật thủy sản. Theo đó, sẽ tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân qua các hoạt động kiểm tra cấp giấy phép khai thác thủy sản, việc cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh tàu cá, bến cá, cảng cá.

Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu hàng năm có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên biển và trong kênh rạch nội đồng. Ngoài ra, phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra đột xuất những vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong kênh rạch nội đồng…Thông qua việc triển khai những giải pháp nêu trên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản; từng bước thay đổi nhận thức người dân trong việc quản lý khai thác và tái tạo nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững trong tương lai.

Tin, ảnh: Tuấn Kiệt (TTXVN)
Mục tiêu đến năm 2030: 100% các hồ tự nhiên được đánh giá nguồn lợi thủy sản
Mục tiêu đến năm 2030: 100% các hồ tự nhiên được đánh giá nguồn lợi thủy sản

Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thuỷ sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU... Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, có 10% lượng thủy sản quý hiếm được sinh sản nhân tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN