Áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh hàng năm luôn là mối lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ gần 2% so với đồng USD, mối lo ngại mang tên nhập siêu từ Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn.

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng

Ông Phạm Văn Hoan, Giám đốc Công ty Thương mại Phú Toàn, một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập phụ tùng máy móc từ thị trường Trung Quốc đón nhận thông tin đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá một cách khá tích cực. Ông Hoan cho biết, với doanh số hàng hóa nhập khẩu mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng, việc đồng NDT giảm giá 2% sẽ giúp DN tiết kiệm được tiền vốn nhập khẩu khoảng 200 triệu đồng. “Tất nhiên, chi phí nhập khẩu giảm thì DN nhập khẩu và khách hàng sẽ được lợi hơn”, ông Hoan cho biết.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc sẽ bị cạnh tranh hơn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN



Nguyên phụ liệu dệt may, da giày hiện nay cũng phải phụ thuộc tới 50% nhập khẩu từ Trung Quốc. Một DN dệt may cho biết, với việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT sẽ giúp DN tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm về chi phí vốn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc như vải, sợi, thuốc nhuộm...

Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội):

Trung Quốc phá giá đồng NDT vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam

Việc Trung Quốc phá giá NDT phát đi tín hiệu triển vọng kinh tế Trung Quốc không lạc quan, tác động khó lường và lâu dài đến các nền kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Khi Trung Quốc giảm giá đồng NDT, hàng Trung Quốc xuất sang các nước khác sẽ dễ dàng hơn. Đối với các nước đang tràn ngập hàng Trung Quốc, trong có đó có Việt Nam thì việc XK hàng hóa sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Tính tích cực của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ hội nhìn lại chính sách điều hành tỷ giá của mình trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, áp lực cho XK lớn. Nền kinh tế thế giới lớn thứ hai thế giới đã phá giá đồng Nhân dân tệ thì chúng ta có nên trung thành với chính sách tỷ giá như hiện nay hay không? Tuy nhiên, rõ ràng hàng XK Trung Quốc sẽ có ưu thế và làm gia tăng nguy cơ nhập siêu của chúng ta sẽ ngày càng lớn.

Huệ Huệ (ghi)

Trong khi DN nhập khẩu có phần vui mừng thì DN xuất khẩu (XK) lại tỏ ra khá lo ngại về việc đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Quốc, nhất là hàng nông sản. Các chuyên gia thương mại của Bộ Công Thương cho rằng, Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt với 85% sắn XK vào Trung Quốc, gạo XK vào thị trường này là 35% và cao su là 40%... Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát, một DN chuyên XK gạo cho biết: “Với các hợp đồng chính ngạch thanh toán bằng đồng USD, DN Trung Quốc sẽ phải trả thêm gần 2% cho một đơn hàng có cùng khối lượng. Như vậy, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải tăng giá bán hoặc tìm cách giảm giá mua xuống để bù cho chi phí này. Với giá bán cao hơn, gạo Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn so với gạo từ các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Cămpuchia...”. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, XK nông sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng sẽ không chỉ tác động đến DN XK mà còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống người nông dân.

Xu hướng hỗ trợ thúc đẩy nhập khẩu nhưng lại tác động tiêu cực đến XK hàng hóa sẽ làm cho việc giải bài toán kiềm chế nhập siêu từ thị trường Trung Quốc khó khăn hơn. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng năm 2015 kim ngạch nhập khẩu (KNNK) cả nước ước đạt gần 95,639 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. KNNK từ châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước chiếm 81,8%. Trong đó, KNNK từ riêng Trung Quốc chiếm 30,1% trong tổng KNNK của cả nước. “Với việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh”, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương cho biết).

Ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), với nền kinh tế cơ bản là gia công mà các chính sách vẫn hướng vào công nghiệp thì việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị là không thể tránh khỏi. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gần 60% nguyên vật liệu cho sản xuất, hơn 30% cho máy móc thiết bị, khoảng 10% cho tiêu dùng cuối cùng. Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là do hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ và chi phí vận chuyển thấp do khoảng cách địa lý gần.

Nâng cao sức cạnh tranh cho DN

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý, nhập siêu từ Trung Quốc có nhiều vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, đầu ra của những sản phẩm được sản xuất bởi đầu vào nhập từ Trung Quốc có thể được bán trong nước hoặc XK. Nếu những sản phẩm này được bán trong nước, các DN có thể có lợi nhuận và góp phần làm giá thành sản xuất thấp do giá đầu vào thấp, điều này cùng với nhập khẩu trực tiếp cho tiêu dùng góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt trong những năm qua. Nhưng khi người tiêu dùng trong nước mua những sản phẩm này thì thực chất cũng là sử dụng hàng nhập khẩu trá hình do giá trị của phía Việt Nam trong sản phẩm chỉ là giá trị gia công. Nếu những sản phẩm này được XK thì phía Việt Nam cũng đóng góp vào chuỗi giá trị của sản phẩm rất ít (chỉ là phần gia công) và bản chất XK những sản phẩm này cũng là XK hộ Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế còn lưu ý, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn sẽ cạnh tranh mạnh với hàng Việt Nam ở phân khúc hàng hóa chất lượng trung bình. Do đó, nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam đang sản xuất hàng hóa ở cùng phân khúc này sẽ chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn. Vì vậy, cần có giải pháp chính sách về thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính... để hỗ trợ DN nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo ông Phạm Tất Thắng, để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc thì chúng ta phải tập trung đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Nếu ngành công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, nguyên liệu đầu vào gần như phải nhập khẩu thì việc thoát lệ thuộc vào Trung Quốc hay thị trường khác đều rất khó khăn. Chúng ta cần tìm cơ hội tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng XK, giảm nhập khẩu. Và một giải pháp nữa là phải tìm cách tăng XK sang Trung Quốc một cách bền vững. Hiện XK của Việt Nam sang Trung Quốc bị động, theo kiểu “cầm dao đằng lưỡi”. Cứ như vậy thì rất khó có thể tạo thế ngang bằng trong cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Đối với các DN sử dụng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mặc dù hiện nay chưa có tác động ngay lập tức đến DN dệt may vì các đơn hàng cũng đã ký được ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khi các đơn hàng của năm nay được hoàn thiện thì sẽ có nhiều tác động. Thậm chí lượng cung từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ bị cắt giảm do các nhà sản xuất Trung Quốc hướng tới XK những sản phẩm đã chế biến hoàn tất nhằm hưởng lợi cao hơn thay vì xuất nguyên liệu sơ chế như hiện nay. Khi ấy, các DN Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ Trung Quốc.

Thứ hai, "việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT có tác động đến sự di chuyển luồng vốn đầu tư kéo theo những hệ lụy kinh tế nếu Việt Nam không có sự khắt khe trong lựa chọn. Cụ thể, khi đồng Việt Nam yếu đi so với đồng NDT, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên trong đó có luồng đầu tư của Trung Quốc ở những ngành công nghiệp cấp thấp với mục đích tận dụng nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ. Đây là xu thế đầu tư chính của Trung Quốc sang các nước khác và vì vậy nên cạnh tranh trong nước rất có thể sẽ ngày càng áp lực hơn.

Ông Chu Xuân Ái, Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh (chuyên XK sản phẩm chè):

“Ngày 11/8, Trung Quốc quyết định giảm 1,9% tỷ giá đồng NDT, về phía DN thì ngay lập tức chưa có tác động và ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, về lâu dài việc này sẽ gây ảnh hưởng đến XK, nhất là đối với doanh nghiệp XK chè như công ty. Bởi, khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá như vậy sẽ làm lợi cho DN XK của họ. Nhưng đối với DN của Việt Nam khi XK hàng sang Trung Quốc, tiền thu về là đồng NDT đến khi quy đổi sang USD sẽ rất thiệt thòi cho DN”.

Thảo Nguyên (Thực hiện)


Thu Hường - Lê Nghĩa
Điều tiết nhập siêu hợp lý
Điều tiết nhập siêu hợp lý

Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD (4,8% kim ngạch xuất khẩu). Để kiềm chế nhập siêu cả năm ở mức 5% như mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, cần có những giải pháp lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN