An Giang cấm khai thác cá linh non

Những ngày qua, nước lũ đã tràn đồng ở các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Cá linh non bắt đầu xuất hiện nhiều. Thời điểm này, tỉnh An Giang chưa cho phép người dân khai thác cá linh non nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cấm đóng đáy, nên người dân đầu nguồn huyện An Phú đành chuyển qua đánh bắt cá linh bằng dọp nên số lượng cá bắt được rất ít.

Tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện đầu nguồn An Phú, cá linh đầu mùa đã xuất hiện cách đây cả tháng. Hàng năm, thời điểm này, người dân đã tiến hành đóng đáy để đánh bắt cá linh non. Nhưng năm nay, tỉnh cấm đóng đáy đánh bắt cá linh non đến hết ngày 31/8; đặc biệt, cấm đánh bắt cá linh non dưới 55 mm (tính từ đầu cá đến chẻ đuôi phải trên 55mm). Quy định này được người dân đồng tình ủng hộ và tuân thủ nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Thuận, xã Vĩnh Hội Đông gắn bó với nghề đóng đáy bắt cá linh gần 10 năm nay tâm sự, những năm lũ lớn về trước, mỗi ngày thu tới vài trăm kg là chuyện thường.

Năm nay, chính quyền thông báo cấm bắt cá từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8 khiến nhiều người không có thu nhập. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho con cháu đời sau, cấm đánh bắt theo kiểu tận diệt nên đa số người dân đều đồng tình ủng hộ và tuân thủ nghiêm ngặt.

Theo ông Thuận, cá linh được bày bán trên thị trường hiện chủ yếu được khai thác ở Campuchia. Thương lái sử dụng bình sục khí ô xy, ghe đục vận chuyển về để phân phối và bán lẻ tại các chợ. Hiện giá bán cá linh non tại chỗ cho các thương lái dao động từ 60.000 - 150.000 đồng/kg. Khi loại cá “trời cho” này về đến các thành phố, chợ đầu mối, giá lại tiếp tục tăng lên gấp đôi.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Hội Đông Nguyễn Văn Tùng cho biết, ngay từ đầu mùa lũ, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân và cộng đồng. Thời gian thích hợp, xã sẽ thông báo để người dân tham gia đấu giá quyền đóng đáy khai thác cá linh; đồng thời yêu cầu không được sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ đánh bắt thủy sản hay sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn so với quy định đánh bắt thủy sản…

Ngoài ra, xã còn tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp ngư dân vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tính từ đầu mùa lũ đến nay, Vĩnh Hội Đông đã phát hiện và tịch thu 3 miệng đáy do người dân đặt trái phép.

An Giang cấm khai thác cá linh non để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại ngã ba Cầu Kênh - chợ cá đồng lớn nhất An Giang, từ tờ mờ sáng, không còn tấp nập cảnh kẻ bán người mua. Thay vào đó, chỉ có vài chiếc ghe cập bến với khoảng vài chục kg cá linh và một số loại cá khác…

Chị Nguyễn Thị Vân, ấp 2, xã Vĩnh Hội Đông cho hay, năm nào cũng vậy, lũ về là gia đình chị đều đấu thầu với xã 1 gian đáy để bắt cá linh kiếm thêm thu nhập. Khoảng 1 tháng nay, lũ bắt đầu về, cá linh non xuất hiện nhưng do chính quyền thông báo cấm đóng đáy đánh bắt cá linh nên số lượng gia đình chị thu được rất ít. Với 200 cái lọp và 10 cái dớn đặt dưới sông, ngày nào may mắn gia đình cũng chỉ kiếm được từ 10 - 20 kg cá linh. Một phần để lại dùng ở gia đình, số còn lại chị đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Theo chị Vân, việc cấm đánh bắt cá linh non là hợp lý, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cá linh là loài cá giá trị và đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng mùa lũ. Với cư dân miền Tây, những món ngon từ cá linh đã trở nên quen thuộc như: cá linh kho lạt, nấu chua, chiên bột, nướng mọi, mắm cá linh,…

Hiện các sản phẩm cá linh đóng hộp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, được nhiều người ưa chuộng. Giá trị của cá linh được nâng lên nhưng  nguồn lại sụt giảm. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng đánh bắt khi cá còn quá non, phá vỡ sự phát triển của quầng đàn, ảnh hưởng khả năng tái tạo nguồn cá tự nhiên…

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, cá linh là loài đặc hữu của sông Mekong, thuộc giống Cirrhinus, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.


Tuy nhiên, lợi thế khai thác cá linh gần như là đặc quyền của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này có 2 loài chiếm ưu thế thuộc giống Cirrhinus là cá linh thùy (Cirrhinus lobatus) và cá linh ống (Cirrhinus siamensis).

Đây là 2 loài di cư theo mùa, hàng năm, bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 12, cá linh từ đồng ruộng, kênh, rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đổ ra sông lớn (sông Tiền, sông Hậu) bắt đầu thực hiện quá trình di cư ngược dòng lên thượng nguồn sông Mekong tìm những vực sâu để ẩn náu, trú ngụ.

Đến đầu mùa lũ (mùa nước nổi), cá linh bắt đầu sinh sản, ấu trùng (cá linh non) di cư theo dòng nước phía hạ lưu để kiếm ăn và sinh trưởng. Thường khoảng trung tuần tháng 7 (Âm lịch) hàng năm, ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông bắt đầu xuất hiện cá linh non thuộc địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Trước đó, để việc khai thác nguồn lợi thủy sản là cá linh non một cách bền vững, tỉnh An Giang đã cấm đánh bắt cá linh non (có kích thước dưới 56mm) đến hết ngày 31/8 để cá linh đạt chuẩn mới được khai thác.

Hiện nước lũ đang lên nhanh và cá đã lớn vượt hơn kích cỡ quy định nên việc xem xét cho phép người dân khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đánh bắt cá linh để tăng thu nhập là phù hợp, nhưng thẩm quyền này không thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh mà phải chờ ý kiến từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Tuấn cho biết thêm.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Mùa nước lũ, đến Đồng Tháp nhấm nháp lẩu cua đồng, cá linh
Mùa nước lũ, đến Đồng Tháp nhấm nháp lẩu cua đồng, cá linh

Hiện trên các địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, nước lũ đã về và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Con nước về sớm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây sau bao năm "ngóng lũ", bởi lẽ, nguồn thuỷ sản chỉ có trong mùa nước nổi cũng đã xuất hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN