ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2012 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của châu Á trong năm 2012 và 2013, do khủng hoảng nợ ở châu Âu và khó khăn tài chính ở Mỹ đã khiến nhịp độ tăng trưởng từ Trung Quốc đến Ấn Độ không tránh khỏi chậm lại.

 

ADB - có trụ sở tại Manila - đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á (không kể Nhật Bản) trong năm 2012 từ 6,6% theo dự báo hồi tháng 7/2012 xuống 6,1% và năm 2013 từ 7,1% trong dự báo trước xuống 6,7%. Đồng thời, ADB điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2012 và 2013 từ 4,4% xuống 4,2%.

 

Báo cáo của ADB nhận định sự giảm tốc của hai nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ cùng với các nền kinh tế xuất khẩu chủ chốt khác đang khiến người ta bớt lạc quan vào triển vọng kinh tế. ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 8,2% xuống 7,7% và của Ấn Độ trong tài khóa kết thúc ngày 31/3 từ 6,5% xuống 5,6%. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng được hạ thấp xuống 5,1% năm nay, so với mức dự báo tăng 5,7% trước đó, kinh tế Inđônêxia tăng 6,3%, Thái Lan tăng 5,2%, Malaixia tăng 4,6%, Lào tăng 7,9% và Campuchia tăng 6,4%.

 

Theo ADB, châu Á có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc đẩy mạnh ngành dịch vụ, ngành vốn đóng góp hơn một nửa sản lượng và mang lại 34% việc làm cho châu lục này. ADB khuyến cáo các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực cần thích ứng với môi trường tăng trưởng vừa phải và cần nỗ lực hơn để giảm bớt sự lệ thuộc và xuất khẩu. Nhà kinh tế chủ chốt của ADB, Changyong Rhee, khuyến nghị châu Á đang phát triển phải thích nghi với môi trường tăng trưởng chậm lại và các nước sẽ cần làm nhiều hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, cân bằng các động lực tăng trưởng, tăng năng suất và hiệu quả.

 

Xuất khẩu của châu Á đang chững lại, do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm đang làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Xuất khẩu của Malaixia bất ngờ giảm lần đầu tiên trong ba tháng qua trong tháng 7/2012, trong khi xuất khẩu của Thái Lan và Hàn Quốc giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.

 

Giá dầu thô đã giảm khoảng 7% trong năm nay, qua đó giúp làm giảm sức ép về giá cả. Trong tháng 9/2012, mức tăng giá tại Inđônêxia chậm lại lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây, trong khi giá cả tại Malaixia tăng ở mức chậm nhất trong hơn hai năm qua.

 

Các báo cáo công bố trong tuần này cho thấy tình trạng sụt giảm của lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc vẫn tiếp diễn, trong khi các công ty công nghiệp Nhật Bản ngày càng bi quan hơn và xuất khẩu của Hàn Quốc giảm. Điều này cho thấy các nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn chưa đảo ngược được tình trạng tăng trưởng chậm lại. Toàn bộ số 11 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, ngoại trừ đồng rupiah, đều mạnh lên so với đồng USD trong ba tháng qua, do các nhà hoạch định chính sách tiến hành các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

 

Ngân hàng trung ương Ấn Độ tuần qua bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong khi Việt Nam hạ lãi suất và Hàn Quốc công bố kế hoạch chi ngân sách và miễn giảm thuế trị giá 5.900 tỷ won (5,3 tỷ USD). Các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêxia, Thái Lan, Ấn Độ và Phílíppin dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần này để ra quyết định về chính sách tiền tệ, do khu vực này cho rằng cần phải có thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

 

Như Mai (Theo Bloomberg, THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN