7-Eleven vào Việt Nam, doanh nghiệp nội không thể chần chừ

Đại gia bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven đang cấp tập tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam để thực hiện kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 2/2018. Cuộc chiến cạnh tranh thị phần bán lẻ được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt với phần yếu hơn thuộc về các doanh nghiệp nội.

Cuối tháng 2, 7-Eleven đã thông báo tuyển dụng nhân viên Việt Nam. Theo đó, các vị trí cần tuyển người bao gồm quản lý cửa hàng, nhân viên cửa hàng, chuyên viên phát triển cửa hàng, chuyên viên marketing và chuyên viên đào tạo. Trước đó, tờ Nikkei của Nhật Bản cho hay, 7-Eleven sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 2/2018.

Tại khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới, thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group (Nhật Bản). Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này đã có mặt tại 17 quốc gia với 61.500 cửa hàng trên toàn thế giới.

Theo kế hoạch, 7-Eleven sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới. Như vậy, với sự góp mặt của 7-Eleven, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ vô cùng sôi động với các chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu của Việt Nam và thế giới. Doanh nghiệp nội có Vinmart+, Hapro, MT mart (thị trường miền Bắc), Bách hóa xanh (thị trường miền Nam)... Doanh nghiệp ngoại thì có Circle K, B’s Mart, Ministop, Family Mart, Shop and Go...

Dễ dàng thấy các doanh nghiệp ngoại có chiến lược mở cửa hàng rất bài bản, theo từng giai đoạn. Cửa hàng của họ hoạt động 24/24 giờ, ngoài việc bán hàng hóa tiêu dùng như các siêu thị còn phục vụ những nhu cầu đơn giản của khách như ăn mì tôm, mua sim thẻ...

Về số lượng, các chuỗi cửa hàng tiện ích mang thương hiệu nước ngoài chưa cạnh tranh được với Vinmart+, với vị trí dẫn đầu đang thuộc về Shop and Go. Tuy nhiên, các chuỗi này đang không ngừng mở rộng ra khắp các thành phố lớn và vượt qua các đối thủ khác của Việt Nam. Theo báo cáo về tình hình thương mại trong nước của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi.

Chị Trinh, một người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh cho biết, 7-Eleven ở Mỹ có rất nhiều tiện ích để thu hút khách hàng chứ không chỉ hoạt động như một siêu thị thu nhỏ. Ở đó, họ có máy bán kem, đá bào nước ngọt đủ mọi mùi hương tự chọn, bán vé số Powerball, xúc xích nướng tại chỗ. Không rõ 7-Eleven ở Việt Nam sẽ như thế nào nhưng nếu cũng như các nước thì nó sẽ là đối thủ của cả các cửa hàng tạp hóa, đồ ăn nhanh chứ không riêng gì các cửa hàng tiện ích của Việt Nam.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc 7-Eleven vào Việt Nam sẽ tạo thêm sự cạnh tranh trên thị trường. Các cửa hàng tiện ích nước ngoài mở cửa 24/24, còn cửa hàng Việt Nam lại chủ yếu bán trong giờ hành chính. "Nửa đêm tôi muốn mua đồ ăn, mua thuốc không biết mua ở đâu. Nếu doanh nghiệp Việt không thay đổi thì khó cạnh tranh", ông Phú cho hay.

Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi các thương hiệu bán lẻ ngoại xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Trong mấy năm trở lại đây, các chuỗi cửa hàng tiện ích nước ngoài liên tục đổ bộ vào Việt Nam vì đây là thị trường rất tiềm năng với dân số trẻ, thu nhập không ngừng tăng. Không những kích thích thị trường bán lẻ mà điều này còn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản bán lẻ phát triển. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Đánh giá về sức ép gây ra với các doanh nghiệp nội, ông Phú cho rẳng, sức ép chỉ khoảng 30% đến từ bên ngoài, còn lại 70% nằm ở những bất cập nội tại của doanh nghiệp nội. "Hàng hóa lởm khởm, làm ăn chộp giật. Khâu hậu cần yếu kém khiến hàng hóa không bảo quản được lâu", ông Phú chỉ ra những bất cập và cho rằng, doanh nghiệp nào yếu kém cần để cho "tự chết".

Hiện nay, hỗ trợ nhà nước không còn nhiều, chủ yếu chỉ trên phương diện quản lý quy hoạch chung. Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới siêu thị hiện cũng còn bất cập. Chuyên gia này dẫn chứng, trên đoạn đường chỉ 700m trên phố Thái Thịnh (Hà Nội) mọc lên 3 siêu thị, cuối cùng một siêu thị đã phải đóng cửa.

"Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc mở mạng lưới bán lẻ để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, cần có quy chế quản lý cửa hàng tiện ích. Hiện nay, mô hình này có hàng nghìn cửa hàng trên cả nước nhưng lại chưa được quản lý. Quyết định 1371/2004 của Bộ Thương mại trước đây ban hành quy chế quản lý siêu thị, trung tâm thương mại nay đã lạc hậu, chưa điều chỉnh được hoạt động của các cửa hàng tiện ích", ông Phú kiến nghị.

Hoàng Dương
Doanh nghiệp ngoại sắp 'nuốt' trọn thị phần cửa hàng tiện lợi
Doanh nghiệp ngoại sắp 'nuốt' trọn thị phần cửa hàng tiện lợi

Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 70% thị phần ở kênh bán lẻ cửa hàng tiện lợi và một nửa thị phần bán hàng trực tuyến ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công Thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN