60% doanh nghiệp ngành điện tử lo ngại về kỹ năng lao động

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao năng suất và nâng tầm kỹ năng lao động trong chuỗi cung ứng điện tử.

Chú thích ảnh
Lắp ráp linh kiện điện thoại tại KCN Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Để tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp mũi nhọn này, vào ngày 15/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức diễn đàn ngành điện tử “Việc làm Thỏa đáng và Tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam”.

Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng điện tử tăng liên tục hàng năm, hiện chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới, giá trị xuất khẩu của ngành lên tới hơn 108 tỷ USD trong năm 2021 với lực lượng lao động ước tính trên 1 triệu người.

Tuy nhiên, ngành điện tử chủ yếu tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt lao động, việc thu hút người lao động trở lại làm việc, tạo ra việc làm thỏa đáng đang là một bài toán khó được đặt ra”.

Kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của ILO cho thấy khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% số doanh nghiệp cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo lực lượng lao động gắn bó, năng suất ổn định và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu.

“Đồng thời, các đơn vị cần chú ý tới việc làm thỏa đáng để có thể tăng khả năng cạnh tranh bền vững của ngành công nghiệp điện tử trên thị trường toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam nhận định.

XM/Báo Tin tức
Bình quân du khách đến các tỉnh chi tiêu bao nhiêu?
Bình quân du khách đến các tỉnh chi tiêu bao nhiêu?

Theo Tổng cục Du lịch, tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN