6 xu thế lớn trên thị trường tài chính thế giới năm 2011

Mạng “Bình luận Trung Quốc” mới đây đã đăng bài của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, Đàm Nhã Linh, nhận định về tình hình thị trường tài chính thế giới năm 2011. Theo bài viết này, 6 xu thế lớn dự báo sẽ xuất hiện trên thị trường tài chính toàn cầu là:

1. Xu thế đồng USD mất giá trên thị trường ngoại hối ngày càng lớn. Thị trường tiền tệ thế giới năm 2011 sẽ tiếp tục lấy sự điều chỉnh chính của đồng USD làm định hướng. Chính sách tổng thể đồng USD sẽ có thể tiếp tục dùng việc phá giá để đối diện với thị trường tiền tệ thế giới.


Tiến trình phá giá là một chỉ tiêu then chốt để điều chỉnh mức giá và cơ sở tỷ giá hối đoái toàn cầu. Chỉ số đồng USD trên thị trường ngoại hối sẽ xuất hiện biến động lớn giữa mức 90 điểm và 70 điểm. Đồng USD sẽ phá giá hoặc tăng giá mang tính chu kỳ, theo giai đoạn, nhanh và linh hoạt.

2. Thị trường cổ phiếu sẽ tăng giá nhanh và kéo dài. Tốc độ tăng cao của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục nhanh thêm. Năm 2011, thị trường chứng khoán thế giới sẽ đi từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, còn tình trạng cổ phiếu sụt giảm sẽ chậm lại, Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiến tới mốc 12.000 điểm, có khả năng phá vỡ mức kỷ lục 14.000 điểm trong năm 2007.


Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đi theo cao trào này nhưng biên độ tăng ở mức thấp. Vấn đề đồng euro sẽ hạn chế mức tăng của thị trường chứng khoán châu Âu. Thị trường chứng khoán Nhật Bản khá ổn định ở mức 10.000 điểm. Thị trường chứng khoán châu Á lên nhanh xuống mạnh, cao trào ở các nước và khu vực Đông Á khá rõ rệt, biên độ dao động lớn.

3. Nhu cầu của thị trường vàng tăng cao. Năm 2011, thị trường vàng quốc tế sẽ tiếp tục xu thế tăng cao của hai năm trước. Biên độ tăng của giá vàng có thể lên tới trên 20%. Đỉnh điểm giá vàng có thể lên tới khoảng 1.700 USD/ounce thay vì mức đỉnh 1.400 USD/ounce năm 2010.


Giá vàng tiếp tục tăng do cơ sở tính lưu động của thị trường, tâm lý theo đuổi chuyển biến của chính sách tiền tệ, đặc biệt là sự căng thẳng và hoang mang do những lời cảnh báo về mức lạm phát cao của thế giới và hiệu ứng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khiến giá vàng leo cao.


Cũng có khả năng nhỏ là giá vàng sẽ điều chỉnh xuống vì trong năm 2010, việc điều chỉnh giảm chưa đủ, việc điều chỉnh giá mang tính kỹ thuật khá cấp bách có thể dẫn tới giá vàng giảm trong năm 2011, có thể xuống đến mức 1.100 USD/ounce nhưng biên độ và thời gian cũng có hạn, có thể xảy ra bất ngờ, lặp lại.

4. Nhu cầu thị trường dầu thô tăng có hạn, giá tiếp tục tăng nhưng khó khôi phục mức đỉnh của năm 2008, có thể lên tới mức 100-120 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới cũng có khả năng giảm xuống mức 60-70 USD/thùng. Năm 2011, nhân tố khí hậu và các nhân tố bất ngờ sẽ khiến giá dầu thô biến đổi khó đoán.

5. Thị trường lãi suất đảo chiều nhanh chóng. Năm 2011, tiêu điểm của thị trường tài chính nằm ở chỗ: có hay không sự bứt phá và chuyển biến của chính sách lãi suất. Dự kiến FED sẽ đưa ra những thay đổi mang tính phương hướng vào quý II hoặc sau quý II/2011.


Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng thuận lợi thì FED sẽ lập tức đẩy nhanh tiến độ và nhịp độ điều chỉnh lãi suất. Một nhà đầu tư nổi tiếng thế giới cho rằng lãi suất của Mỹ sẽ tăng lên “như gió” tới mức rất cao. Theo nhà đầu tư này, chỉ tiêu giá cả hàng hóa là dữ liệu mang tính tiêu chí đối với sự thay đổi của chính sách tiền tệ. Kết quả việc đồng USD mất giá và giá hàng hóa tăng lên đã gây ra sự thay đổi về chính sách tiền tệ thế giới.

6. Khó khăn hơn trong việc điều chỉnh quy mô thị trường ngân hàng. Sự phát triển ngành ngân hàng thế giới trong năm 2011 sẽ đối diện với tình hình rắc rối và phức tạp, đầy rẫy rủi ro về chính sách. Ủy ban Giám sát Ngân hàng BASEL với 27 thành viên đã thông qua hiệp định mới, quy định tăng mức vốn tối thiểu từ 4% lên 6% đối với các ngân hàng hàng đầu thế giới.


Quy định này sẽ được áp dụng từ tháng 1/2015. Hiệp định mới đưa ra định nghĩa về vốn ngân hàng và những giới hạn nghiêm khắc về việc đánh giá rủi ro. Hiệp định này có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống ngân hàng Âu-Mỹ và các cơ cấu tài chính, bộ phận các ngân hàng đối diện với vấn đề thiếu vốn. Tuy hiệp định này của BASEL được đại đa số các nước và khu vực đồng ý, nhưng sự phân biệt và áp lực sẽ tác động rõ rệt đến thị trường tài chính.

Phan Thành Dương
(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN