2011 - Năm "phát tài" của các hãng thời trang nổi tiếng

Trong tuần này, giá cổ phiếu của một số nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới đã đạt mức kỷ lục, trong bối cảnh các nhà đầu tư "đẩy lui" được tâm lý bi quan về các số liệu kinh tế yếu kém và cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro (Eurozone).

Giới giao dịch nhận định sự thành công trong việc phát hành cổ phiếu của hãng thời trang Prada tại Hồng Công hay Salvatore Ferragamo tại Milan đã phác họa nên một triển vọng đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực xa xỉ phẩm.

Ảnh:Internet

 Bên cạnh đó, châu Á đang trở thành "thị trường hấp dẫn" đối với nhiều hãng thời trang nổi tiếng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sẵn sàng "móc hầu bao" chi cho những món hàng đắt tiền để thể hiện đẳng cấp.

Francois Arpels, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Bryan Garnier, dự đoán 2011 sẽ là năm mà các hàng thời trang đạt được doanh thu, lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu ở mức kỷ lục. Theo công ty tư vấn Bain & Company, lĩnh vực dịch vụ và xa xỉ phẩm toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay, nhờ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng 25% của Trung Quốc và 15% tại các nước còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho rằng nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ phẩm sẽ tăng 15% trong năm 2011 và 11% trong năm 2012.Trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất hàng xa xỉ phẩm đã phục hồi một cách "phi thường", sau tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu 2008.

Năm 2009, doanh số bán của hãng thời trang nổi tiếng thế giới chỉ giảm 4,4%. Theo ông Arpels, khi thế giới lâm vào suy thoái, các hãng thời trang đã coi đây là cơ hội để họ tập trung vào phát triển sản phẩm.

Hiện nhiều tập đoàn thời trang đang tiến hành các đợt thu mua lớn, một động thái thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Điển hình là thương vụ mua lại hãng Bulgari của LVMH, hay vụ PPR kiểm soát cổ phần của tập đoàn đồng hồ Thụy Sĩ Sowind Group.

TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN