20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam

Chỉ còn ít ngày nữa, công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 tròn mốc 20 năm vận hành (27/5/1994-27/5/2014). Đường dây này không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam mà nó còn tạo đà cho hệ thống điện 500kV của đất nước phát triển.

Mới đây, đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông được ví như mạch 3 của hệ thống siêu cao áp Bắc-Nam vừa được đóng điện thành công ngày 5 /5 đã làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Trở về với lịch sử


Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước những năm đầu thập kỷ 90 là một áp lực rất lớn đối với ngành điện Việt Nam, trong điều kiện khu vực miền Nam với một nền kinh tế năng động nhu cầu điện luôn đối mặt cung không đủ cầu. Công suất lắp đặt các nhà máy của miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần. Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn cũng không đảm bảo.

Với áp lực cấp điện cho miền Nam, trên cơ sở định hướng xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện đã được đề cập đến trong Tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 – 1985) của Việt Nam. Mục tiêu xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ miền Bắc để cấp điện cho miền Trung và miền Nam đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ ba miền thành một khối thống nhất.

Đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 có chiều dài 1.487km, gồm 3.437 trụ tháp sắt, kéo dài từ Thủy điện Hòa Bình đến trạm 500kV Phú Lâm, trải dọc theo dãy Trường Sơn được Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 5/4/1992. Đường dây đi qua 14 tỉnh thành phố ; trong đó qua vùng trung du – cao nguyên là 669km (chiếm 45%); núi cao, rừng rậm là 521km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông là sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn và 17 lần vượt quốc lộ. Sau hơn hai năm thi công thần tốc, đến ngày 27/5/1994 , công trình chính thức đóng điện đưa vào vận hành và hợp nhất hệ thống điện trong toàn quốc, mỗi năm truyền tải khoảng 2 tỷ kWh vào Thành phố Hồ Chí Minh với công suất lớn nhất từ 600MW - 800MW .

Lịch sử sẽ không bao giờ trở lại những năm tháng gian khổ mà vinh quang, tự hào ấy. Trở lại với ”chiến trường năm xưa”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Chỉ huy công trình 500kV Bắc-Nam bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời ”oanh liệt”, một thời ”chiến đấu” vất vả nhưng cũng đáng để tự hào.

Đúc rút những kinh nghiệm quý

Ông Ngãi cho biết, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp này chỉ với thời gian 2 năm, vừa thiết kế, vừa thi công trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8-10 năm là một kỳ tích chưa từng có. Chỉ trong vòng 1 tháng chọn khảo sát, tư vấn thiết kế, vẽ bản đồ với 3 lực lượng khảo sát tham gia là Công ty Tư vấn thiết kế điện 1, 2 và Phân viện khảo sát thiết kế Nha Trang. Đồng thời có 3 đơn vị tham gia thi công xây lắp đường dây; trong đó, Công ty Xây lắp điện 3 đảm nhận thi công đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài hơn 600km là những phần việc khó khăn nhất, gian khổ nhất và phức tạp nhất của đường dây này.

“Nguyên nhân đường dây thi công trong thời gian ngắn như vậy là do ý chí của con người bên cạnh những quyết sách động viên hợp lý của Chính phủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hai năm đó để lại một tác phẩm đỉnh cao của thời đại với sự tham gia của một tập thể lớn con người để kịp tiến độ công trình. Không có sức lực và trí tuệ con người thì không thể làm được”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Đảm nhận thi công đèo Lò Xo là cung đoạn khó nhất từ Đại Lộc đi Đăk Lây, ông Đậu Đức Khởi, Anh hùng lao động, nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, người trực tiếp thi công nhớ lại câu vè “Ruồi vàng, bọ chó, gió Đăk Lây”. Lúc đầu còn trăn trở khi đứng trước muôn vàn khó khăn thực tế nhưng ông Khởi cho rằng, những yếu tố thành công khi thi công đèo Lò Xo chính là có cơ chế thưởng tốt, đủ vật liệu, thiết kế kịp thời và lực lượng thi công chủ yếu là xe Reo, bà con gùi gánh.

Chia sẻ kinh nghiệm về giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường dây 500kV mạch 1, Anh hùng lao động Đinh Miên, nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 bày tỏ, dựa vào dân và chính quyền địa phương, đưa vào nghị quyết của từng địa phương, đó chính là giải pháp thành công của công tác giải phóng mặt bằng.

Nhớ lại những năm tháng làm đường dây mạch 1, bà Hồ Thị Bích Phượng, nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4 nói: “Tiến độ có nhanh đến mấy thì vẫn phải đảm bảo an toàn là trên hết. Từng ấy thời gian vừa thiết kế vừa thi công, mỗi công nhân truyền tải phải giám sát, nghiệm thu chặt chẽ từng vị trí móng cột để sau này đảm nhận nhiệm vụ quản lý vận hành an toàn. Do vậy, muốn truyền tải 1 kWh điện về TP Hồ Chí Minh có mồ hôi, xương máu của ngành điện nói chung và của công nhân truyền tải điện nói riêng”.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long chia sẻ: Đã có rất nhiều bài báo viết về công trình này nhưng không thể viết hết những đóng góp của những người tham gia xây dựng công trình nói riêng cũng như phát triển ngành điện nói chung. Công trình ngoài ý nghĩa về khoa học, công nghệ với sự phát triển của hệ thống điện Việt Nam, nó cũng là bài học cho việc thực thi mang tính quyết định đối với những công trình của đất nước.

Từ khi đưa đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 vào vận hành những năm đầu tiên đã đáp ứng được kỳ vọng của những người đứng đầu đất nước vào thời kỳ đó. ”Hồi đó, có 3 vấn đề đáng quan tâm khi xây dựng đường dây, đó là tính khả thi của khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và tính an toàn; trong đó, bỏ ra gần 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 là một vấn đề rất lớn đối với ngân sách nhà nước khi ấy”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long nhớ lại.


Thực tế sau 3 năm vận hành, công trình đã hoàn vốn một cách nhanh nhất, đó chính là minh chứng cho quyết định đúng đắn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì sự phát triển của ngành điện Việt Nam bên cạnh sức lao động của hàng vạn con người khi tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp”, Giáo sư Long nhấn mạnh.

Công nhân đang kéo dây đoạn qua huyện Đắc Song, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Hình thành hệ thống truyền tải bền vững


Theo Giáo sư Trần Đình Long, muốn đất nước phát triển bền vững thì trước tiên ngành điện phải phát triển. Quả thực, nhìn lại 20 năm trước khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, hệ thống lưới điện truyền tải của nước ta có quy mô còn khiêm tốn. Sự thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vào ngày 1/7/2008 với trách nhiệm quản lý vận hành, thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trên cả nước và liên kết lưới điện khu vực đã đánh dấu mốc quản lý xuyên suốt hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nhờ vậy, đến đầu năm 2014, khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với khối lượng đường dây 500kV tăng 3,72 lần, đường dây 220kV tăng 6,18 lần, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng 14,3 lần....

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT khẳng định: Từ đường dây này làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước. Đến nay, lưới điện truyền tải quốc gia do EVNNPT quản lý đã phát triển đến 61/63 tỉnh, thành, các trạm biến áp 500-220kV được xây dựng và đưa vào vận hành ở 57/63 tỉnh, thành.

Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng như: 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình. Đây là tiền đề để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước. Không những thế, lưới điện truyền tải đã đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV…

EVNNPT cho biết, một tương lai không xa, vào năm 2015, lưới điện truyền tải sẽ đáp ứng các điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam là cung cấp đủ điện cho nền kinh tế với sản lượng điện truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh/năm và đến năm 2020 từ 265 - 275 tỷ kWh/năm. Đồng thời duy trì và phát triển hệ thống truyền tải liên kết với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia ở cấp điện áp 220-500kV. Hệ thống truyền tải quốc gia cũng hướng đến p hát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển lưới điện truyền tải. Đây chính là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.


Mai Phương
Đóng điện đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông
Đóng điện đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Đúng 16 giờ 50 phút ngày 5/5, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN