11:00 19/11/2012

Kinh tế Ucraina bên bờ khủng hoảng

Báo “Độc lập” (Nga) số ra cuối tuần qua cho biết, hai tuần sau khi Ucraina tiến hành xong bầu cử quốc hội, giá cả các mặt hàng thiết yếu của nước này bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, từ bánh mỳ, khí đốt, năng lượng đến các chi phí công cộng.

Báo “Độc lập” (Nga) số ra cuối tuần qua cho biết, hai tuần sau khi Ucraina tiến hành xong bầu cử quốc hội, giá cả các mặt hàng thiết yếu của nước này bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, từ bánh mỳ, khí đốt, năng lượng đến các chi phí công cộng. Điều này dẫn tới giá các hàng hóa và dịch vụ khác tăng theo. Thêm vào đó, thời kỳ ổn định tỷ giá của đồng grivna mà Ngân hàng Ttrung ương nước này cố gắng giữ ở mức 8,1 grivna đổi 1USD cũng đã kết thúc.

 

Sự phụ thuộc quá mức vào ngành luyện kim có thể khiến kinh tế Ucraina trả giá đắt.

 

Trong vòng một tuần, tỉ giá giữa đồng grivna và USD đã tăng từ 8,1 lên 8,35 grivna/1USD khiến các ngân hàng phải ngừng bán USD. Trước thực trạng giá các sản phẩm từ lúa mì tăng 52,4%, điện tăng 25,2%, chi phí giao thông tăng 32,5%, các quan chức nước này đã phải trấn an người dân rằng tình hình kinh tế Ucraina mặc dù khó khăn song còn lạc quan hơn rất nhiều Hi Lạp và một số nước trong khu vực đồng euro.


Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn nghĩ sự tăng giá này mang màu sắc chính trị vì tất cả các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng đúng hai tuần sau bầu cử. Một thông tin đáng lo lắng nữa là Bộ Phát triển Khu vực và Dịch vụ công cộng nước này cũng vừa cảnh báo xu thế tăng giá là không tránh khỏi. Đại diện chính quyền đã phải lên tiếng cam kết sẽ kiềm chế tăng giá và có chính sách trợ giá cho các đối tượng nghèo khó.


Hiện nay mức lương tối thiểu ở Ucraina đang là 1.118 grivna/tháng, tương đương 140 USD/ tháng. Kể từ ngày 1/10 năm nay, lương được tăng 2 USD và dự kiến từ 1/12 tăng tiếp 2 USD nữa. Trong khi đó ở riêng thủ đô Kiép, lương tối thiểu là 400 USD, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ được nhận cao hơn một chút. Tuy nhiên, ở một số quận, huyện thời gian gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu chậm trả lương.


Trước tin đồn chính quyền dùng biện pháp tăng giá để trả đũa cử tri thủ đô vì đa số bỏ phiếu cho các đảng đối lập, Bộ Tài chính Ucraina đã lên tiếng xác nhận khó khăn hiện nay không phải là lý do chính trị, mà là do hệ thống tài chính nhà nước đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Kinh tế Ucraina gần như dậm chân tại chỗ, trong khi không nhận được nguồn tín dụng của nước ngoài. Các chỉ số kinh tế công bố mới đây cho thấy thâm hụt thương mại Ucraina 9 tháng đầu năm 2012 tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,47 tỷ USD. Tại phiên họp chính phủ tuần trước, Thủ tướng Azarov cũng thừa nhận việc bán hàng hóa Ucraina ra nước ngoài để thu ngoại tệ trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.


Một số chuyên gia nhận định để tạo môi trường thuận lợi trước bầu cử, chính quyền Ucraina đã phải sử dụng quỹ dự trữ vàng để bình ổn giá cả. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương nước này đã giảm 15,7%, từ 32 tỷ USD xuống còn 27 tỷ USD. Khoản thiếu hụt này không thể bù đắp được vì kinh tế không tăng trưởng, sản xuất và xuất khẩu mặt hàng chủ lực của nước này là luyện kim cũng đình trệ, khu vực xây dựng giảm 10%.
Theo dự báo của Ucraina, nền kinh tế nước này trong năm 2012 có thể đạt mức tăng trưởng 2,3%, tuy nhiên các tổ chức quốc tế lại đưa ra con số không quá 1%. Với mức tăng trưởng thấp như vậy, Ucraina hoàn toàn không có khả năng bù thâm hụt ngân sách và trả lương đúng hạn cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh đó, Ucraina chỉ còn cách trông chờ vào sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, nhóm chuyên viên của thể chế tài chính này sau hai tuần thị sát tại Ucraina đã ra về mà không để lại hi vọng nào.


Các nhà phân tích cho rằng, nếu trước đây Kiép “bướng bỉnh” không chịu thực hiện các khuyến cáo của IMF nâng phí và thuế để tăng thu ngân sách thì hiện nay đang có dấu hiệu sẵn sàng hợp tác. Ngân hàng Trung ương nước này đang xem xét lại khả năng thả nổi tỷ giá đồng grivna, còn các bộ ngành liên quan cũng đang lên kế hoạch để người dân tự trả các khoản chi phí sinh hoạt thay vì được trợ giá một phần như trước đây.


Một số chuyên gia nhận định nếu các quyết định này được áp dụng có thể sẽ dẫn tới tình trạng bạo loạn trong xã hội. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nếu không nhận được khoản tín dụng kỳ vọng từ IMF (mà có nhận định là do Mỹ cố tình dùng thể chế tài chính này gây áp lực lên Ucraina), Kiép có thể sẽ quay sang cầu cứu Nga.


Cao Cường