09:01 19/09/2014

Kinh tế Trung Quốc trước nhiều thách thức lớn

Diễn đàn thường niên Kinh tế thế giới Davos mùa Hè 2014 đã diễn ra trong tuần qua tại Thiên Tân, Trung Quốc. Diễn đàn mang chủ đề "Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo giá trị" lần này đã thu hút sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu...

Diễn đàn thường niên Kinh tế thế giới Davos mùa Hè 2014 đã diễn ra trong tuần qua tại Thiên Tân, Trung Quốc. Diễn đàn mang chủ đề "Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo giá trị" lần này đã thu hút sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu gồm các nhà chính trị và kinh tế từ 90 quốc gia trên thế giới, và các đại biểu tham dự diễn đàn đã tiến hành thảo luận chủ đề "Hướng đi của kinh tế Trung Quốc".


Tại hội nghị lần này, các chuyên gia tham dự đánh giá cao triển vọng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế nước này vẫn đứng trước nhiều thách thức to lớn.

 

Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể trượt dần về mức 7% trong quý III/2014.Ảnh: THX/TTXVN


Diễn đàn Kinh tế Davos mùa Hè hàng năm diễn ra tại Trung Quốc giống như một cửa sổ cung cấp cơ hội tìm hiểu môi trường và xu thế của kinh tế Trung Quốc cho toàn thế giới. Trong thời gian thảo luận tại diễn đàn, nhiều chuyên gia bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc sau 5 năm hậu khủng hoảng kinh tế thế giới, thế nhưng xu thế tăng trưởng trong tương lai không thể coi nhẹ.

 

Giáo sư Trường Đại học Thanh Hoa Lý Đạo Quỳ nhận định: "Tôi cho rằng việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng chỉ là mang tính tạm thời, nói cách khác tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang ở vào quá trình phát triển hình chữ U. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ mức 10% xuống 7-7,5%. Nếu cải cách kinh tế Trung Quốc thu được thành công, nhịp độ tăng trưởng kinh tế sẽ có phần tăng lên, vì thực ra GDP bình quân thu nhập đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 19% của Mỹ, điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn có tiềm năng tăng trưởng rất lớn".


Theo chuyên gia kinh tế nước ngoài, tiềm năng tăng trưởng và điểm tăng trưởng mới của thị trường Trung Quốc chính là cơ sở để họ đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc. Ông Kevin Buehler, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty Mckinsey & Company, cho rằng chỉ nói riêng về lĩnh vực Internet, thị trường Trung Quốc đã ẩn chứa tiềm năng phát triển khổng lồ. Ông nói: "Internet Trung Quốc vừa mới cất cánh, đặc biệt là tăng trưởng trong tiêu dùng mạng. Tỷ lệ "phủ sóng" và dịch vụ băng thông rộng cũng như về mặt ứng dụng Internet phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc vẫn còn không gian phát triển rất lớn. Nếu giải quyết tốt hai vấn đề này sẽ mang lại điểm tăng trưởng mới cho GDP của Trung Quốc".


Tuy nhiên, trong khi có những niềm tin đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc thì các chuyên gia cũng lưu ý rằng cơ hội và thách thức đặt ra cho Trung Quốc cũng vô cùng lớn, đòi hỏi phải có sự ứng đối tích cực. Ông Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế của trường Đại học Havard, cho rằng hiện nay, Bắc Kinh đang đứng trước thách thức còn nặng nề hơn, phải giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, xử lý vấn đề ô nhiễm, giảm tốc độ cho vay tín dụng, giảm sử dụng điện... Có rất ít nước nào có thể ứng phó một cách suôn sẻ những thách thức này.


Chính phủ Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% cho năm 2014, tức là không thay đổi so với năm 2013. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể trượt dần về mức 7% trong quý III/2014, khiến cho mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong cả năm 2014 trở nên xa vời.


Nhà kinh tế Xu Gao thuộc công ty chứng khoán Everbright Securities tại Bắc Kinh cho rằng, khả năng Chính phủ Trung Quốc hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới đang gia tăng. Tuy nhiên, "dư địa" cho việc điều chỉnh chính sách là hạn chế sau khi các chương trình kích thích kinh tế thời gian qua đã đẩy nhiều chính quyền địa phương sa vào "bẫy nợ nần".


TTK