12:23 11/12/2012

Kinh tế thế giới năm 2013 - Viễn cảnh lạc quan

Theo “Thương báo” (Hồng Công) ngày 10/12, thị trường thế giới gần đây có nhiều thông tin tốt: vấn đề nợ công của Hy Lạp đã đạt được tiến triển, kinh tế Mỹ có bước hồi phục lý tưởng, kinh tế Trung Quốc đang trên đà trở lại ổn định, tình hình các nền kinh tế chủ yếu thế giới đang có sự thay đổi.

Theo “Thương báo” (Hồng Công) ngày 10/12, thị trường thế giới gần đây có nhiều thông tin tốt: vấn đề nợ công của Hy Lạp đã đạt được tiến triển, kinh tế Mỹ có bước hồi phục lý tưởng, kinh tế Trung Quốc đang trên đà trở lại ổn định, tình hình các nền kinh tế chủ yếu của thế giới đang có sự thay đổi. Dự đoán sau năm 2012 đầy khó khăn này, nếu Mỹ có thể tránh rơi xuống “vách đá tài chính”, tình hình kinh tế toàn cầu năm 2013 sẽ lạc quan.


 

Lượng mua sắm tiêu dùng tăng cao dịp lễ Tạ ơn là chỉ tiêu tích cực cho kinh tế Mỹ.

 

Sau khi nhận được một gói hỗ trợ mới, Hy Lạp sẽ tung ra kế hoạch mua lại trái phiếu của những người đầu tư tư nhân, nỗ lực giảm nợ. Kế hoạch mới nhất của Hy Lạp chủ yếu nhằm vào số trái phiếu trị giá 62 tỷ euro do tổ xử lý nợ Hy Lạp phát hành hồi tháng 3/2012. Hy Lạp đề xuất mua lại với giá thấp nhất từ 30,2% đến 38,1% mệnh giá trái phiếu, cao nhất vào khoảng 32,2% đến 40,1%. So với giá mua lại cao nhất của lần trước là 28,1%, giá mua lại lần này rõ ràng là hấp dẫn hơn. Vì thế, có thể dự đoán, lần mua lại này của Hy Lạp có thể tiến hành thuận lợi, hướng tới mục tiêu nợ công của Hy Lạp giảm xuống còn 124% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cam kết đến năm 2022 sẽ cắt giảm thêm một bước còn 110% GDP. Nguy cơ Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu do vấn đề nợ công đã giảm mạnh.


Trong khi đó, Mỹ mới tuyên bố kinh tế quý III/2012 của nước này tăng trưởng đáng kể, GDP tăng 2,7%, cao hơn cả mức dự đoán 2%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý IV/2009. Báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy thị trường việc làm và tiêu dùng của 12 khu vực do FED quản lý đều tăng trưởng trong tháng 10 và 11/2012. Số liệu bán hàng mùa lễ Tạ ơn mang tính chỉ tiêu đối với nền kinh tế Mỹ cũng cho thấy tình hình trở nên khả quan hơn. Theo báo cáo điều tra của Hiệp hội bán lẻ Mỹ công bố hôm 25/11, đã có 247 triệu lượt người đi mua hàng và mua hàng trực tuyến, tăng 9% so với năm ngoái; doanh thu ngành bán lẻ dự kiến đạt 59,1 tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc, một trong những động lực của kinh tế thế giới, cũng đang quay trở lại ổn định. Các dấu hiệu này đã tăng cường lòng tin của các doanh nghiệp vào tương lai.


Lợi nhuận của doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc đang hồi phục tăng trưởng. Những số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố gần đây cũng khiến thị trường lạc quan. Căn cứ theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, ngành công nghiệp quy mô toàn quốc đã tăng trưởng 9,6% trong tháng 10/2012, cao hơn 0,4% so với tháng 9. Lợi nhuận thực hiện theo năm của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô toàn quốc đã chuyển từ giảm thành tăng được 0,5% trong năm. Trong đó, chỉ tính riêng số liệu tháng 10/2012 đã đạt mức tăng trưởng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tháng 9 là 12,7%; tăng trưởng xuất khẩu trong liên tiếp hai tháng 9 và 10 là 11,6%; ngay cả nhập khẩu cũng đã chuyển từ tăng trưởng âm trong tháng 8 thành tăng trưởng dương 2,4% trong tháng 10. Dường như sau khi các ngân hàng trung ương toàn cầu thực hiện một loạt biện pháp nới lỏng, tác dụng kích thích đối với kinh tế toàn cầu bắt đầu từng bước lộ ra.


Tuy nhiên, “vách đá tài chính của Mỹ” hiện vẫn chưa có phương án giải quyết, nếu Mỹ rơi xuống “vách đá tài chính” thì có thể khiến kinh tế Mỹ xuất hiện tình trạng tăng trưởng âm, từ đó làm trở ngại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu; một bộ phận các doanh nghiệp cũng vì thế mà giảm bớt hoặc chậm lại việc đầu tư. “Vách đá tài chính” thực sự là nhân tố mang tính chưa xác định lớn nhất của nền kinh tế thế giới hiện nay.


Theo phát ngôn của hai đảng và quan chức Mỹ trong mấy ngày gần dây, cho dù quá trình đàm phán còn nhiều khúc mắc, nhưng trong vài tuần tới, Quốc hội Mỹ có thể sẽ đạt nhận thức chung nhất định, khả năng lớn nhất là sẽ kéo dài thời hạn của một số loại thuế ưu đãi.


Nếu Mỹ tránh được “vách đá tài chính”, các doanh nghiệp sẽ có thể đẩy nhanh đầu tư, bước tiếp theo là giải ngân tiền vào các nền kinh tế, việc này sẽ có tác dụng kích thích rất lớn đối với nền kinh tế Mỹ trong năm sau. Trên thực tế, Chủ tịch FED Ben Bernanke gần đây đã phát biểu, nếu “vách đá tài chính” được giải quyết, dự đoán trong năm sau kinh tế Mỹ sẽ có tăng trưởng tốt đẹp. Qua đó có thể thấy, trở ngại cuối cùng - “vách đá tài chính Mỹ” - nếu được giải quyết thuận lợi, dưới sự dẫn đầu tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng với vấn đề nợ công của châu Âu dịu xuống, nền kinh tế toàn cầu trong hai quý đầu năm sau thực sự khá lạc quan.


Thành Dương