11:09 06/11/2014

Kinh tế EU phục hồi chậm, tăng trưởng kém

Dự báo kinh tế do Ủy ban châu Âu (EC) công bố cho thấy Liên minh châu Âu (EU) và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng kém trong những tháng cuối năm.

Dự báo kinh tế mùa thu mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 4/11 cho thấy Liên minh châu Âu (EU) và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng kém trong những tháng cuối năm.

Nhìn chung trong năm 2014, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ có mức tăng trưởng khoảng 1,3%, Eurozone 0,8% và sẽ tăng nhẹ  khoảng 1,5% và 1,1% trong năm 2015. Sang năm 2016, việc củng cố khu vực tài chính sau đánh giá tổng thể của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các tiến bộ đạt được trong Liên minh ngân hàng cùng với những tác động đầu tiên của cải cách cơ cấu sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế tăng trưởng 2,0% tại EU và 1,7% trong Eurozone.


Hồi tháng 5 vừa qua, EC dự kiến mức tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,7% trong 18 quốc gia thuộc Liên minh tiền tệ. Tình hình khác biệt tại các quốc gia nhưng tại 3 nền kinh tế hàng đầu của Eurozone không có dấu hiệu lạc quan. EC đã giảm đáng kể dự báo đối với nền kinh tế đầu tầu Đức với mức tăng trưởng 1,3% trong năm nay so với dự kiến 1,8% hồi đầu năm và 1,1% trong năm 2015 (so với 2% hồi đầu năm).

 

Ảnh minh họa.


Sau Đức, kinh tế Pháp cũng chỉ có thể đạt 0,3% trong năm nay (so với 1% dự kiến hồi đầu năm) và 0,7% trong năm 2015, giảm 0,8% so với dự kiến. Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp kinh tế Italy suy thoái với mức tăng trưởng dự kiến 0,4%, giảm 0,2% so với dự kiến và có thể đạt 0,6% trong năm 2015, tức chậm hơn 1 năm so với dự kiến.

 

Phát biểu trước báo giới, ông Jyrki Kataine, Phó Chủ tịch EC phụ trách việc làm, tăng trưởng, đầu tư và cạnh tranh, cho biết tình hình kinh tế và việc làm của EU không được cải thiện nhanh. EC sẽ sử dụng các công cụ và nguồn lực sẵn có để tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng với kế hoạch đầu tư khoảng 300 tỷ euro.

 

Một số nền kinh tế có mức tăng trưởng khá hơn là Anh (3,1%), Hungary (3,2%), đặc biệt Ireland (4,6%). Riêng CH Síp vẫn còn ảnh hưởng của kinh tế sụt giảm năm 2012 cũng dự kiến đạt tăng trưởng 2,8% trong năm nay.

 

Trong số các quốc gia nằm trong chương trình hỗ trợ từ EU, Hy Lạp quay lại mức tăng trưởng vừa phải 0,6% năm 2014 và 2,9% dự kiến năm 2015, sau 5 năm giảm sút. Bồ Đào Nha cũng dự kiến đạt 0,9% năm nay và 1,3% năm 2015.

 

Theo ông Pierre Moscovici, ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế, không có giải pháp đơn giản duy nhất để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế châu Âu. Cần phải hướng các nỗ lực theo 3 lĩnh vực: chính sách tài chính đáng tin cậy, cải cách cơ cấu đầy tham vọng và đầu tư cần thiết cho các lĩnh vực công và tư.

 

Ngoài ra, một yếu tố đáng quan ngại khác của châu Âu là lạm phát trong Eurozone không được vượt quá 0,5% trong năm nay và 0,8% năm 2015. Đây là mức rất thấp do kinh tế toàn Liên minh phục hồi chậm. Liên minh tiền tệ cũng cũng phải thoát khỏi tình trạng giảm phát đặc trưng bởi vòng xoáy đi xuống của giá cả và tiền lương bất lợi cho tăng trưởng. Tuy nhiên, lạm phát không được vượt quá 1,5% trong năm 2016, trong khi mục tiêu của ECB là duy trì mức lạm phát gần 2%.


Tình trạng thất nghiệp cũng giảm chậm với mức 11,6% trong năm nay, 11,3% trong năm 2015 và 10,8% trong năm 2016.

 

 

Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)