Tạo nguồn tôm nguyên liệu sạch phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản

Nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi tôm là thế mạnh của tỉnh Kiên Giang và đây cũng là hướng phát triển quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh từ nay đến năm 2020.

Cách làm này giúp khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm đối với lao động địa phương; đồng thời cung ứng nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản.

Nông dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, cải tạo ao nuôi, chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, quy hoạch nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 khoảng 104.325 ha, gồm các loại hình: nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, quảng canh cải tiến 19.325 ha, tôm - lúa 80.000 ha...; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 80.000 tấn.

Trong số này, tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên 4.700 ha và U Minh Thượng 300 ha theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm để tăng giá trị sản xuất, cung ứng nguyên liệu chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, vùng nuôi tôm công nghiệp Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông, lưới điện, hệ thống kênh cấp, tiêu thoát nước đồng bộ và 2 trạm quan trắc môi trường tự động. Ngoài ra, xây dựng tiểu vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC, BAP…

Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn được chú trọng; kiểm soát dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường bằng các công nghệ hiện đại. Quy trình, kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất để nâng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, thực hiện các loại hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nuôi thâm canh, năng suất 10 - 20 tấn/ha/vụ; siêu thâm canh tôm trong nhà kính, năng suất 100 tấn/ha/năm; siêu thâm canh tôm với công nghệ biofloc, năng suất 100 - 150 tấn/ha/năm và nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn khép kín (RAS) 500 tấn/ha/năm.

Hiện ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang bước đầu thành công trong thực nghiệm một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh và siêu thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cao.

Điển hình như: ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao lót bạt thực hiện tại vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng của Trung tâm khuyến nông Kiên Giang. Mô hình này đạt năng suất tôm hơn 30 tấn/ha/vụ, mỗi năm nuôi từ 2 - 4 vụ. Nguồn tôm nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP cung ứng thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm thương phẩm 3 giai đoạn năng suất cao trên ao lót bạt đáy của Công ty BIM - Kiên Giang, năng suất 20 - 40 tấn/ha/vụ, tôm thương phẩm sạch, kiểm soát được dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi...

Chế biển tôm xuất khẩu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tỉnh Kiên Giang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo thuận lợi đối với hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tập trung ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Các hạng mục công trình, dự án hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn được hoàn thành; triển khai dự án cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương) phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Trên vùng U Minh Thượng, quy hoạch nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao… Đồng thời, thi công hoàn thành hệ thống 30 cống thủy lợi trên tuyến đê biển An Biên - An Minh, tổ chức sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, địa phương đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình thủy lợi trọng yếu; phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững và hiệu quả.

Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp thì mô hình tôm - lúa có nhiều ưu điểm vượt trội và thích ứng khá tốt. Do vậy, tỉnh đầu tư nghiên cứu khoa học, hoàn thiện quy trình canh tác của mô hình này để chuyển giao cho nông dân sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả. Mô hình tôm - lúa rất thân thiện với môi trường, vừa có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm nông sản hàng hóa sạch có giá trị xuất khẩu, vừa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi trên cùng một diện tích sản xuất là tôm và lúa.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định, phát triển nuôi nuôi tôm là một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Theo đó, địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các ngành hữu quan địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm rà soát hệ thống thủy lợi, chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Đồng thời, công tác khuyến ngư cần được tăng cường, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển nuôi tôm; đổi mới và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, hiệu quả và bền vững; tạo nguồn tôm nguyên liệu sạch cung ứng thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu.


Lê Huy Hải (TTXVN)
Cần quy hoạch vùng nuôi tôm, tránh tự phát, manh mún
Cần quy hoạch vùng nuôi tôm, tránh tự phát, manh mún

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá cho ngành nuôi tôm Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường thế giới, sáng 6/2, một hội nghị “Diên Hồng” về lĩnh vực này đã được tổ chức tại tỉnh Cà Mau – thủ phủ của tôm sú, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN