Ngư dân miền Trung tấp nập vươn khơi, bám biển

Từ đầu năm đến cuối tháng 4/2017, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) có trên 7.000 lượt tàu, thuyền cập bến, tăng 776 lượt chiếc với sản lượng gần 29.000 tấn, tăng 100 tấn hải sản so với năm 2016.

Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 lượt tàu, thuyền của ngư dân cập cảng cá Thọ Quang, với sản lượng 240 tấn cá, chủ yếu là tàu, thuyền các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam , Quảng Bình...


Vừa trở về từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa sau 15 ngày đánh bắt, ông Lê Cường, chủ tàu cá trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà phấn khởi, dù chuyến biển này sản lượng hải sản ít hơn chuyến trước nhưng tàu của ông đã khai thác được nhiều hải sản có trị cao như cá lị, cá nhám, cá lạc...


Với hơn 1 tấn cá khai thác được, ông Cường nhẩm tính sẽ thu về trên 100 triệu đồng, trừ chi phí dầu, nước đá và nhu yếu phẩm, ông sẽ thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Trung bình mỗi thuyền viên có mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng, khoảng 20 ngày nữa, tàu sẽ tiếp tục nạp nhiên liệu, chuẩn bị các nhu yếu phẩm để tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam khai thác thủy, hải sản tăng thu nhập cho gia đình và làm giàu cho quê hương.

Ngư dân vận chuyển thủy, hải sản lên bờ tiêu thụ. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Đang làm thủ tục đăng ký với Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để chuẩn bị đưa các loại thủy, hải sản vừa đánh bắt được từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa để lên bờ tiêu thụ. Ông Phạm Văn Phong, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cho biết, ngày 25/4, tàu của ông cùng các tàu khác thuộc nghiệp đoàn nghề cá phường Thanh Khê Đông vẫn tiến thẳng ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa để khai thác thủy, hải sản.


Sau 15 ngày đánh bắt, tàu khai thác được 3 tấn hải sản, trừ chi phí tàu của ông Phong thu về khoảng 70 triệu đồng. Dự kiến, sau chuyến đi biển này, ông Phong và các thuyền viên trên tàu sẽ sửa chữa lại một số các trang thiết bị cần thiết, khoảng đầu tháng 6/2017, tàu sẽ vươn khơi bám biển dài ngày. 


Ông Phong chia sẻ, khi đánh bắt hải sản trên biển, ông đã được các cơ quan chức năng phổ biến kiến thức về Luận biển nên ông chưa một lần vi phạm chủ quyền, lãnh hải nước ngoài. Cùng với đó, khi vào nghiệp đoàn nghề cá được đánh bắt theo hình thức tổ, đội liên kết nên ông cảm thấy vững tâm hơn khi vươn khơi bám biển. Ông Phong khẳng định, thời gian tới, ông cùng các ngư dân trong nghiệp đoàn nghề cá sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy, hải sản.


Gần 30 năm nay, ông Trần Duy Kỳ, trú tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn kiên cường ngư trường truyền thống Hoàng Sa chia sẻ, ngư dân đóng tàu bạc tỷ. Vì vậy, nếu không bám biển sinh sống thì ông chẳng biết làm nghề gì.


Sau 20 ngày đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, tàu của ông Kỳ thu về được 5 tấn hải sản, trừ chi phí tàu lãi khoảng 80 triệu đồng, mỗi ngư dân sẽ có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng. Sau chuyển đi biển này , tàu của ông cùng các anh em trên tàu sẽ ra Đà Nẵng để sửa chữa lại tàu, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để tiếp tục vươn khơi bám biển.


Ông Lê Văn Xin, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà đang tích cực sửa chữa chiếc tàu cá của gia đình để kịp cho chuyến đi biển sắp tới. Ông Xin cho biết, hiện 4 chiếc tàu cá của tổ liên kết thuộc nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà do ông làm tổ trưởng đang khai thác thủy, hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.


Trong những ngày tới, những chiếc tàu này sẽ cập cảng cá Thọ Quang, gia đình ông cũng tập trung sửa chữa chiếc tàu câu mực, mua sắm các trang thiết bị, ngư cụ để kịp vươn khơi trong tháng 6 tới...


Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Khai thác biển phục hồi, ngư dân Nghệ An an tâm bám biển
Khai thác biển phục hồi, ngư dân Nghệ An an tâm bám biển

Tại các địa bàn ven biển của tỉnh Nghệ An, nghề khai thác thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi ngư dân có việc làm, có thu nhập, yên tâm bám biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN