03:09 21/03/2011

Kinh nghiệm quý từ Nhật Bản

Năm 1948, sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ chết ở bà mẹ, trẻ sơ sinh ở Nhật Bản ở mức rất cao. Nhưng nhờ triển khai một số chính sách y tế phù hợp, trong đó có việc áp dụng hiệu quả sổ MCH,...

Năm 1948, sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ chết ở bà mẹ, trẻ sơ sinh ở Nhật Bản ở mức rất cao. Nhưng nhờ triển khai một số chính sách y tế phù hợp, trong đó có việc áp dụng hiệu quả sổ MCH, nên đến nay, Nhật Bản đã giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em và bà mẹ xuống mức thấp nhất thế giới.

“Những năm 50 của thế kỷ trước, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh của Nhật Bản là 60,1/1.000 trẻ đẻ sống, nhưng tới năm 2002 chỉ còn là 3/1.000 trẻ, thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam là 15/1.000 trẻ đẻ sống (số liệu năm 2008- PV)”, ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, chia sẻ.

Để có được kết quả ấn tượng này, Nhật Bản đã rất nỗ lực trong việc triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, sàng lọc và khám sức khỏe định kỳ toàn dân, tập trung cho ưu tiên chăm sóc trẻ em và đặc biệt là đưa việc sử dụng sổ MCH trở thành là một quy định bắt buộc phải thực hiện (năm 1948, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai sổ MCH). Theo đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản có trách nhiệm quản lý việc sử dụng sổ MCH. Các bác sỹ sản, bác sỹ nhi, bà đỡ và nha sỹ công tại mọi cơ sở y tế, cả khu vực y tế tư nhân cũng phải ghi chép đầy đủ các dữ liệu trong cuốn sổ MCH.

“Theo tôi, chìa khóa quan trọng cho thành công hay thất bại của chương trình là nội dung đào tạo cho việc phổ cập sổ MCH”, bà Akemi Bando, Cố vấn trưởng Dự án Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam, khẳng định.

Tại Nhật Bản, khi một phụ nữ cảm thấy "hình như có thai", sẽ tới cơ sở y tế để khám. Bác sỹ sẽ cấp cho thai phụ tờ "Thông báo về mang thai". Khi cầm thông báo đó tới một trung tâm y tế công, thai phụ sẽ được cấp sổ MCH (miễn phí), một số tài liệu và phiếu cho 14 lần khám sức khỏe tiền sinh đẻ (miễn phí hoặc gần như miễn phí).

Từ lúc này, thai phụ luôn giữ gìn sổ MCH và phải mang tới cơ sở y tế trong những lần đi khám tiếp theo. Những người cung cấp dịch vụ y tế phải ghi kết quả khám sức khỏe vào đó. Đương nhiên bệnh viện hoặc cơ sở y tế cũng có bệnh án được ghi chép trên giấy hoặc gần đây là trên máy tính.

Khi sản phụ sinh con tại bất kỳ bệnh viện hoặc cơ sở y tế công hoặc tư nào ở Nhật Bản, những người cung cấp dịch vụ y tế phải ghi vào sổ MCH những thông tin về tình hình khi sinh và sau khi sinh của bà mẹ và sơ sinh. Nếu người mẹ mang thai đôi, hoặc ba, sẽ được cấp 2 hoặc 3 sổ MCH. Sau đó, điều dưỡng viên hoặc những người có 2 giấy phép hành nghề quốc gia về điều dưỡng đa khoa và điều dưỡng y tế, sẽ tới thăm sản phụ tại nhà sau khi sinh để kiểm tra bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời tiến hành hoạt động tư vấn.

“Sổ MCH của Nhật Bản cũng có phần để ghi ý kiến của các bậc phụ huynh như sổ MCH đang thí điểm tại Việt Nam. Rất nhiều phụ huynh tặng sổ này cho con em họ như một món quà. Khi lớn lên các cháu sẽ biết được cũng như tình yêu của cha mẹ, sự quan tâm của xã hội đối với cháu trong những năm tháng đầu đời”, bà Akemi Bando chân thành nói.

Tháng 4/2011, triển khai sổ MCH tại 4 tỉnh

Tháng 4/2011, Dự án Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em do Tổ chức JICA, Nhật Bản tài trợ sẽ triển khai tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm với ngân sách dự kiến khoảng 154 triệu yên Nhật (tương đương 1,8 triệu USD).

Sổ MCH gồm 4 phần: Theo dõi bà mẹ trong thời gian mang thai; chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh trong cuộc đẻ và sau đẻ; chăm sóc trẻ từ 1- 6 tuổi.


Phương Liên thực hiện