12:10 25/12/2010

Kinh doanh không hiệu quả sẽ giải tán hoặc sáp nhập

Năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông ước đạt 200.000 tỷ đồng với tổng số thuê bao điện thoại đạt khoảng 162 triệu (trong đó di động chiếm 91%). Đây được coi là tin vui của các doanh nghiệp.

Năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông ước đạt 200.000 tỷ đồng với tổng số thuê bao điện thoại đạt khoảng 162 triệu (trong đó di động chiếm 91%). Đây được coi là tin vui của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT), thị trường viễn thông Việt Nam trong năm tới sẽ vẫn có sự tăng trưởng nhưng chắc chắn tốc độ không bằng các năm trước. Và, tương lai lại có xu hướng doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả phải rút khỏi thị trường hoặc sáp nhập.

Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ TT - TT Lê Nam Thắng (ảnh) xung quanh vấn đề này nhân Hội nghị tổng kết ngành diễn ra 24/12 tại Hà Nội.

Thưa ông, năm qua một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (ICT) đã công bố hợp tác đầu tư chiến lược hoặc mua cổ phần. Điều này hứa hẹn điều gì?

Đúng là năm 2010 có việc Tập đoàn Công nghệ CMC đã công bố việc trở thành cổ đông chiến lược của Công ty NetNam (nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam). CMC nắm giữ 43,8% cổ phần của NetNam và là nhà đầu tư chiến lược duy nhất của công ty này. Đối với lĩnh vực viễn thông, việc FPT và Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) sẽ mua hơn 50% cổ phần EVN Telecom là dấu hiệu khởi đầu hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các mạng di động của Việt Nam.

Lễ khai trương gian hàng bán lẻ điện thoại di động dịch vụ viễn thông công cộng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Ngay từ năm 2009, tôi đã dự đoán thị trường viễn thông Việt Nam, đặc biệt là thị trường thông tin di động có mức độ cạnh tranh rất cao. Trong xu hướng cạnh tranh như vậy, với số lượng các doanh nghiệp viễn thông là 7 doanh nghiệp thì trong tương lai có khả năng doanh nghiệp viễn thông nào kinh doanh không hiệu quả, sẽ phải rút khỏi thị trường, hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác để hình thành doanh nghiệp lớn hơn, đủ sức cạnh tranh.

Ông có nhận định gì về giá cước viễn thông năm 2011?

Theo tôi, việc tăng hay giảm giá cước trong lĩnh vực viễn thông phải dựa trên cơ sở giá thành, còn giá thành phải dựa trên chi phí nên phải xem hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.


Chi phí giá thành cao hay thấp sẽ quyết định giá cước mà doanh nghiệp ấn định tăng hay giảm. Trong 10 năm qua, giá cước viễn thông Việt Nam đã liên tục hạ, giá cước đã tiệm cận giá thành.


Thậm chí giá cước điện thoại cố định nội hạt đến thời điểm hiện nay có thể nói còn thấp hơn giá thành. Vì vậy năm 2011, theo nhận định của tôi, có thể có loại giá cước sẽ giảm trên cơ sở chi phí giá thành giảm nhưng cũng có loại cước sẽ tăng. Đặc biệt, có xu hướng đa dạng hóa nhiều gói cước để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ nghiên cứu để đưa ra các loại gói cước khác nhau.

Việc quản lý thuê bao di động trả trước vẫn còn bất cập, tin nhắn rác còn nhiều. Điều này sẽ được giải quyết trong năm tới ra sao, thưa ông?

Quản lý thuê bao di động trả trước là việc làm lâu dài. Vừa qua, chúng ta mới chỉ tập hợp được những thông tin của các thuê bao hiện có, các thuê bao mới vẫn tiếp tục đăng ký hoặc thay đổi nên phải tiếp tục quản lý thông tin thuê bao nói chung.


Chúng tôi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dữ liệu cơ sở chứng minh thư nhân dân, thực hiện đối soát dữ liệu chứng minh thư nhân dân với dữ liệu thuê bao trả trước, trước mắt ở 3 thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, sau đó sẽ mở rộng ra các thành phố khác.


Khi việc đối soát thông tin đi vào nền nếp, tôi tin rằng độ chính xác của thông tin thuê bao sẽ tăng lên. Đúng là cái tồn tại lớn nhất trong quản lý thuê bao di động trả trước là độ chính xác của các thông tin thuê bao, còn số lượng thuê bao thì đã có đầy đủ.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)