05:09 26/05/2011

Kiên quyết xóa bỏ đường ngang bất hợp pháp

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Để giải quyết tình trạng này, mới đây,

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Để giải quyết tình trạng này, mới đây, Hà Nội đã đưa ra một loạt các giải pháp cấp bách nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn thành phố, trong đó có việc kiên quyết xóa bỏ các đường ngang bất hợp pháp và lập các ki-ốt cảnh báo tại một số đường ngang.


Báo động tai nạn đường sắt


 Ban An toàn giao thông đường sắt cho biết, quý I/2011, trên các tuyến đường sắt ở Hà Nội đã xảy ra hơn 20 vụ tai nạn, làm 23 người chết, 17 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn tăng 53,33%, số người chết tăng gần 1,1 lần và số người bị thương tăng hơn 54%. Trong số hơn 20 vụ tai nạn, có 18 vụ xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đặc biệt là địa phận Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Trong tháng 3/2011, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên địa bàn khu vực này làm 9 người chết, 10 người bị thương. Đây là đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, nhưng lái xe vẫn cố tình vượt qua, dẫn tới sự cố đáng tiếc.


Ảnh internet

Thống kê cho biết, hiện nay Hà Nội có hơn 140km đường sắt trên tất cả các tuyến như Thống Nhất, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quán Triều. Đây là địa phương có nhiều tuyến đường sắt nhất chạy qua. Đặc biệt, chỉ trên 14km đường sắt Thống Nhất từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (Thanh Trì) có tới 55 đường ngang hợp pháp và 169 lối đi dân sinh bất hợp pháp, một mật độ dày đặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu. Trên đoạn đường đó, năm 2010 số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do tai nạn đường sắt cao gấp 9 lần


Do tình hình tai nạn đường sắt diễn biến quá phức tạp, năm 2010, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp kiểm tra, xây dựng đường gom từ km11+325 đến km11+850 (Ngọc Hồi - Thanh Trì) để đóng đường ngang cảnh báo tự động và 20 lối đi dân sinh. Sau nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều khẳng định việc cần thiết phải đóng các đường ngang nói trên. Song đến nay, việc đóng lối đi dân sinh vẫn chưa thể thực hiện. Các hộ dân còn cử đại diện gửi đơn kiến nghị không đóng đường ngang đến nhiều cơ quan, ban, ngành TƯ, địa phương. Do vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần vào cuộc tích cực để vận động, thuyết phục người dân, đồng thời có biện pháp thiết lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt.


Cần xóa bỏ đường ngang bất hợp pháp


Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 30/3/2011 tại huyện Thường Tín, trong tháng 4/2011 Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra toàn bộ các đường ngang trong khu vực Hà Nội và đề xuất với Bộ Giao thông vận tải phương án tự đầu tư vốn lập 11 trạm cảnh giới đường ngang có bố trí cần chắn và người cảnh giới (huyện Thường Tín + Phú Xuyên: 9 điểm; huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai: 2 điểm) kinh phí xây dựng và trả lương do Sở Giao thông vận tải Hà Nội chịu trách nhiệm. Đề nghị này đã được ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận vào giữa tháng 4/2011 và giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai ngay. Đến nay Hà Nội đã triển khai xong 11 điểm cảnh giới đường ngang trên và đã phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang.


Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cũng như nghiệp vụ cho các nhân viên cảnh giới đường ngang này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam đã thống nhất đề nghị cơ quan chức năng giải quyết gấp rút một số công việc như: Bộ Giao thông Vận tải cần ban hành quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các nhân viên cảnh giới đường ngang cũng như mối quan hệ công tác giữa các nhân viên này với các nhân viên có liên quan khác của đường sắt với mục tiêu giúp cho lực lượng cảnh giới đường ngang này nắm được các nghiệp vụ chủ yếu của nhân viên cảnh giới đường ngang; Tổ chức một lớp đào tạo về nghiệp vụ cảnh giới đường ngang cho lực lượng này.


Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt cung cấp biểu đồ chạy tàu, giờ tàu đi qua đường ngang cho các trạm cảnh giới này cũng như lắp đặt cho mỗi trạm cảnh giới một máy điện thoại liên lạc với trực ban chạy tàu ga để trực ban chạy tàu ga thông báo giờ tàu cụ thể của từng chuyến tàu qua đường ngang cho nhân viên cảnh giới đường ngang chủ động đóng mở cần chắn. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần triển khai công tác sửa chữa đường bộ, bổ sung biển báo tạo thuận lợi cho các phương tiện khi qua đường sắt…


Ông Tân cũng cho biết, về lâu dài, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề nghị thành lập tổ liên ngành bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Đồng thời kiến nghị Tổng Công ty Đường sắt phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương để vận động, thuyết phục người dân xóa các đường ngang tự phát… “Đây không phải việc dễ làm, nhưng đó là cách duy nhất để xóa bỏ các “điểm đen” về an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản của người dân”, ông Tân nói tiếp.

11 đường ngang mới được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ động nhận tổ chức hướng dẫn, cảnh báo trên tuyến Bắc - Nam, gồm lối rẽ vào UBND phường Hoàng Liệt, lối rẽ vào chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai); km189+700 xã Nhị Khê; km 193+895 lối rẽ vào chùa Đậu; km194+760; km198+050; km199+020 (huyện Thường Tín); km 203+860; km 204+830;km 207+550; km 210+670 (huyện Phú Xuyên).


Ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT)

Hệ thống đường sắt đang tồn tại hàng ngàn những đường ngang mở tự phát, nếu không xây dựng đường gom để hình thành đường ngang hợp pháp thì chưa biết bao giờ mới chấm dứt được tai nạn. Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nâng cấp các đường ngang, tăng cường thiết bị cảnh báo ở các khu vực có đường ngang, đồng thời lập hàng rào chắn, xây dựng những đường gom chạy song hành với đường sắt để xóa bỏ những lối mở đi ngang qua đường sắt nhưng làm không xuể, làm đầu này thì dân lại tháo dỡ đầu kia. Ngay tại Hà Nội, ngành đường sắt triển khai làm được một đoạn rào chắn đảm bảo hành lang đường sắt ở Ngọc Hồi nhưng lại gặp phản ứng của dân, họ không muốn bị cản trở lối đi. Hiện nay, các biện pháp tuyên truyền, xử phạt về vi phạm đường sắt còn hạn chế, chưa được chú trọng như đường bộ. Thượng tá Lê Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Nam Số đường ngang và đường dân sinh qua đường sắt tại tỉnh Hà Nam khá dày đặc, trong đó có nhiều đường dân sinh không đảm bảo cự ly, khoảng cách quy định, nhiều nơi không có đèn cảnh báo, barie, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và thời gian chạy tàu”. UBND tỉnh Hà Nam đã nhiều lần có văn bản cảnh báo ngành đường sắt vì sự nguy hiểm của tuyến đường ngang cũng như đề nghị có biện pháp bảo đảm an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngành đường sắt có biện pháp gì.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Theo tôi, việc cần làm để giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, đường bộ là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các địa phương cùng ngành đường sắt phải triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Việc khuất tầm nhìn của người lái tàu cũng gây nguy hiểm cho hành trình của đoàn tàu. Với các phương tiện giao thông đường bộ, cần làm thêm những gờ giảm tốc trên đường ngang với đường sắt, biển báo hiệu giao thông. Những đoạn đường nguy hiểm đã và chưa xảy ra tai nạn nhất thiết phải có đèn báo, biển báo giao thông. Để đảm bảo an toàn chạy tàu, chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra, ngành đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và công an địa phương kiên quyết đóng các đường ngang mở mới không phép, không đảm bảo an toàn.